Ở phường Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhiều người dân thường hay nhắc đến ông Dương Khắc Thành, một người cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học với sự kính trọng, yêu mến. Bởi ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là người giữ gìn nghề truyền thống quê hương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân.
Năm 18 tuổi, ông Thành viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ. Những năm tháng chiến đấu chống Mỹ là quãng thời gian không thể quên trong cuộc đời và đó cũng chính là những năm tháng chất độc dioxin trong hóa chất diệt cỏ của quân đội Mỹ ngấm vào từng mạch máu, tế bào của ông và đồng đội. Đến năm 1990, ông xuất ngũ và trở về quê hương. Lúc đó, ông đã bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, tỉ lệ thương tật là 35%. Những ngày đầu rời quân ngũ, ông không khỏi chạnh lòng với gia cảnh của mình nhưng với nghị lực của một người lính không dễ khiến ông buông xuôi.
Ông Thành chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở đất làng Giàng, phường Thiệu Dương, nơi có nghề đan lát tồn tại từ rất lâu. Trước kia từ những năm 1960 là phát triển thịnh vượng các sản phẩm chủ yếu là cót, nan, rổ, rá, thúng, mủng… nhưng cót mới là mặt hàng được sản xuất nhiều và nổi tiếng nhất. Ngay từ những ngày bé, ông đã biết chẻ nan, đan cót. Ngoài thời gian đi học, ông Thành phụ gia đình làm cót, kiếm thêm thu nhập. Nghề cót gắn bó với ông một cách tự nhiên như hơi thở, cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Để tạo ra một tấm cót ưng ý, bắt mắt, đúng tiêu chuẩn, thì đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, cũng như sự khéo léo kiên trì và nhẫn nại. Sản phẩm đẹp phải được lựa chọn tỉ mỉ ngay từ khâu lựa nguyên liệu. Cót làng Giàng được làm nên từ nứa, vầu bánh tẻ tước mảnh, loại bỏ phần cật xanh, mang phơi khô. Các lá nan không quá dày hay quá mỏng, đều nhau, được người làm cót khéo léo đan lồng vào nhau, tạo thành vân nổi đẹp mắt.
Sau khi nắm bắt được nhu cầu thị trường cùng với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương, ông Thành quyết định kinh doanh sản phẩm cót. Ban đầu, ông chủ yếu mua đi, bán lại sản phẩm. Sau một thời gian tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, ông Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh với diện tích hơn 700m2, bao gồm các khu nhà xưởng và kho, sân phơi, bãi tập kết nguyên liệu… Cơ sở của ông chuyên thu mua cót xuất khẩu, hỗ trợ nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho bà con, thị trường chủ yếu là các nước như Lào, Thái Lan, Thụy Điển…
Hiện tại, trung bình một tháng, cơ sở xuất của gia đình ông Thành xuất ra thị trường khoảng 10 nghìn tấm cót, doanh thu đạt 450 triệu đồng/tháng, lợi nhuận ước tính khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Được biết, một tấm cót (3,2m2) đang được thu mua với giá 45.000 đồng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, người lao động nhận được 25.000 đồng/tấm cót.
Nghề đan cót đòi hỏi người đan phải khéo léo, cẩn thận lại vừa nhanh tay tránh bị nứa cứa. Thêm vào đó, thu nhập từ nghề này không cố định, dựa vào thành phẩm làm được của mỗi người nên hiện nay chủ yếu là phụ nữ trung niên, người già, trẻ em hay lao động tranh thủ lúc nhàn rỗi theo nghề. Mặc dù vậy, ông Thành vẫn không nản chí, từng ngày cố gắng để phát triển, gìn giữ nghề truyền thống. Cơ sở của gia đình ông đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con, nhất là người đã hết tuổi lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Dù mang thương tật trong người, nhưng điều đó không làm giảm được ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương của cựu chiến binh Dương Khắc Thành. Ông cũng chính là người đang góp phần để nghề cót nổi tiếng làng Giàng một thời không thất truyền, bạn bè thế giới biết đến.
Dương Thủy