Ông Dương Quốc Trọng – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam: Điều lệ Họ Dương Việt Nam 2023 sẽ giúp hoạt động Dòng tộc thuận lợi hơn, hiệu quả hơn
Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ Họ Dương Việt Nam và chính thức thông qua Điều lệ Họ Dương Việt Nam 2023.
Bản tin Họ Dương Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quốc Trọng – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam – Trưởng ban Xây dựng Dòng tộc để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi này.
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết vì sao Hội đồng Họ Dương Việt Nam quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ Họ Dương Việt Nam 2019?
Ông Dương Quốc Trọng: Bản Điều lệ Họ Dương Việt Nam đầu tiên được Đại hội lần thứ VI thông qua ngày 10/3/2013 cho đến nay đã được chỉnh sửa, bổ sung 2 lần vào các năm 2018, 2019 Qua mỗi lần sửa đổi, bản Điều lệ ngày càng hoàn thiện, trở thành cẩm nang cho các hoạt động của Dòng tộc. Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2019 đã thực sự đi vào cuộc sống và làm cho các hoạt động của Dòng tộc đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của Họ Dương nói riêng và các dòng họ ở Việt Nam nói chung là chưa có tiền lệ, vì thế không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy mà Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN) đã dự thảo sửa đổi Điều lệ gửi về các địa phương, xin ý kiến của các Đại hội đại biểu Họ Dương cấp tỉnh. Thường trực HĐHDVN đã nhận được tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các Đại hội các tỉnh. Tuyệt đại đa số các ý kiến thể hiện sự đồng tình cao với dự thảo Điều lệ sửa đổi và cũng đã đóng góp thêm khá nhiều ý kiến. Thường trực HĐHDVN đã tiếp thu, chỉnh sửa bản Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2023 trình Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam lần thứ VIII và đã được Đại hội biểu quyết 100% nhất trí thông qua.
Phóng viên: Vậy tổng thể, Điều lệ mới được thông qua có những điểm khác biệt gì so với Điều lệ Họ Dương năm 2019?
Ông Dương Quốc Trọng: Điều lệ Họ Dương Việt Nam được chỉnh sửa năm 2023 tập trung vào mấy nội dung chính như sau:
– Thứ nhất, Điều lệ Họ Dương Việt Nam được viết trước đây về văn phong, ngôn từ vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi cách viết điều lệ của các tổ chức chính trị – xã hội. Lần này, chúng ta xác định rõ: Hội đồng Họ Dương là một tổ chức xã hội Dòng tộc, không phải là một tổ chức chính trị – xã hội, lại càng không phải là một tổ chức chính trị. Chính trị cao nhất của Hội đồng Họ Dương nói riêng và người Họ Dương nói chung là: tuyệt đối chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoạt động Dòng tộc theo Điều lệ Họ Dương Việt Nam và các quy định, hướng dẫn của Hội đồng Họ Dương. Vì thế những thuật ngữ như lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan, hệ thống tổ chức, Ban Chấp hành, v.v… đều đã được thay bằng những từ ngữ cho phù hợp. Tôi xin đơn cử một ví dụ: Điều 14 trước đây có viết “Hội đồng Họ Dương Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của Dòng tộc giữa hai kỳ Đại hội” nay được sửa lại là “Hội đồng Họ Dương Việt Nam có nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của Dòng tộc giữa hai kỳ Đại hội”.
– Thứ hai, một số người Họ Dương lầm tưởng HĐHDVN như một tổ chức, cơ quan nhà nước nên dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đề nghị Thường trực HĐHDVN can thiệp giải quyết những tranh chấp, vi phạm pháp luật. Những việc này không thuộc thẩm quyền của HĐHDVN mà HĐHDVN cũng không bao giờ can thiệp vào những việc này vì những vi phạm này đã có các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết. Điều lệ lần này đã làm rõ: Hội đồng Họ Dương có nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của Dòng tộc giữa hai kỳ Đại hội; Hoạt động Dòng tộc theo Điều lệ Họ Dương Việt Nam và các quy định, hướng dẫn của Hội đồng Họ Dương.
– Thứ ba, trong thực tế hoạt động Dòng tộc chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm Điều lệ, các quy định, hướng dẫn của Hội đồng Họ Dương. Hình thức xử lý vi phạm còn mất nhiều thời gian và cao nhất cũng chỉ đến mức cho thôi đảm nhiệm chức vụ trong Hội đồng Họ Dương. Điều lệ lần này tăng thêm thẩm quyền cho HĐHD các cấp để xử lý những tình huống đặc biệt. Từ đó dẫn tới nếu Đại hội bầu HĐHD và các chức danh thì khi muốn thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch lại phải tiến hành Đại hội bất thường. Vì thế, Điều lệ lần này quy định: Đại hội bầu HĐHD cùng cấp. HĐHD bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Điều lệ lần này cũng không quy định cụ thể Hội đồng có những ban, những câu lạc bộ nào mà giao cho Thường trực HĐHD quyết định việc thành lập, giải thể, chia tách, sáp nhập các ban, câu lạc bộ cùng cấp cho phù hợp với tình hình thực tế. Điều này thể hiện rõ tư duy phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm sẽ mang lại kết quả hoạt động năng động, sáng tạo, thực chất và hiệu quả hơn.
Phóng viên: Theo ông về góc độ cá nhân, ông đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Họ Dương Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong công tác xây dựng Dòng tộc sau Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2023 – 2028?
Ông Dương Quốc Trọng: Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Họ Dương Việt Nam là do đòi hỏi từ thực tiễn đặt ra để gỡ những nút thắt trong quá trình hoạt động nên tôi tin rằng Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2023 sẽ giúp cho các hoạt động, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của Họ Dương Việt Nam nói chung, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Dòng tộc sẽ thuận lợi hơn, ngày càng đi vào thực chất hiệu quả hơn.
Việc Đại hội đại biểu Họ Dương Việt Nam lần thứ VIII thông qua và ban hành Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2023 là rất quan trọng. Tiếp theo đó, Thường trực HĐHDVN còn phải cụ thể, chi tiết hóa các điều, khoản của Điều lệ bằng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành Quy ước xây dựng đời sống văn hóa người Họ Dương, Quy chế làm việc của HĐHDVN, Thường trực HĐHDVN, quy chế làm việc của các ban, các câu lạc bộ, quy chế thi đua khen thưởng, quy chế xét duyệt mừng thọ, khuyến học, khuyến tài, tương thân, tương ái… Có thể nói là một khối lượng công việc rất lớn cần phải hoàn thành ngay trong tháng 3 năm 2023 để Hội đồng Họ Dương nhiệm kỳ này sớm đi vào hoạt động nền nếp, theo đúng như Điều lệ Họ Dương Việt Nam năm 2023.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dương Mão thực hiện