Đào tạo Quản trị Chiến lược: Định vị hiện tại, chuyển hướng tương lai

Hơn 100 doanh nhân và đại biểu đến từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau đã tham dự đào tạo, chia sẻ với nhiều kiến thức bổ ích, giá trị thiết thực, ý nghĩa. Đảm nhận vai trò diễn giả tại buổi buổi đào tạo chính là Tiến sĩ Dương Thu – nhà sáng lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược.

Buổi đào tạo xoay quanh các nội dung: Chiến lược thay vì kế hoạch dài hạn; Năm nguyên tắc của M.Porter về xây dựng chiến lược; Vận dụng sáng tạo công cụ, phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) trong hoạch định chiến lược; Các công cụ thông minh hỗ trợ xây dựng và thực thi chiến lược.

Ở phiên đầu tiên của buổi sáng, khán phòng đã cùng nhắc lại về câu chuyện chiến lược và cách quản trị. Theo đó, quản trị chiến lược là tổng hợp tất cả các hoạt động cùng các hành động với sứ mệnh, tầm nhìn và quá trình đang diễn ra… của một tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó dùng để phối hợp và đồng bộ hóa một cách có hệ thống các nguồn lực, và chiến lược xuyên suốt trong một tổ chức.

Các hoạt động quản trị chiến lược sẽ đưa một kế hoạch tĩnh thành một hệ thống động nhằm cung cấp các thông tin phản hồi về kết quả thực hiện chiến lược cho các cấp ra quyết định và giúp cho kế hoạch đó tiến hóa, phát triển khi những yêu cầu và tình hình thay đổi. Mọi doanh nghiệp cần nắm rõ được bối cảnh hoạt động kinh doanh để có chiến lược cụ thể. Xác định rõ được những tiêu chí sử dụng để có thể đánh giá được rủi ro.

Theo thống kê mới nhất, phần lớn các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, thường bị cuốn vào vòng xoáy của công việc phát sinh hàng ngày. Cụ thể là những công việc liên quan đến sản xuất hoặc mua hàng, tìm kiếm khách hàng, bán hàng, giao hàng, thu tiền, quản lý hàng tồn, công nợ… Việc thực hiện theo cách đến đâu tính đến đó, đã chiếm hết thời gian của các cấp quản lý nhưng vẫn bị rối và luôn ở tình trạng bị động. Quản trị viên cấp cao, nhất là các giám đốc điều hành, thường bị công việc phát sinh “dẫn dắt” đến mức không biết phải làm thế nào cho đúng và phù hợp.

Nếu không có quản trị chiến lược, doanh nghiệp chẳng khác gì những người đi trong rừng, không có định hướng rõ ràng. Họ chỉ thấy ở đâu có lối thì đi, khiến việc càng đi càng bị lạc hướng. Vậy nên, việc đưa ra quản trị chiến lược sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp xác định rõ ràng mục tiêu, hướng đi, vạch ra các con đường hợp lý và phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu để đảm bảo đi đến mục tiêu đã định trong khoảng thời gian cho phép.

Tại sự kiện, diễn giả Dương Thu đã có những lưu ý: Nói về chiến lược, doanh nghiệp cần quan tâm rằng, đừng cố gắng để trở thành công ty tốt nhất. Hãy có chiến lược để trở thành công ty, doanh nghiệp độc nhất vô nhị. Chúng ta có nhiều cách để cạnh tranh. Tuy nhiên để đưa lại giá trị cho khách hàng, thì bắt buộc chúng ta phải nghĩ cách để trở nên khác biệt. Mỗi lãnh đạo, doanh nhân, chủ doanh nghiệp phải nghĩ đến cách đạt được điều đã đưa ra. Cụ thể phải đạt được bằng cách nào, thực hiện ra sao, phân khúc khách hàng doanh nghiệp lựa chọn… tất cả những điều đấy cần phải lưu tâm để có được hoạch định chiến lược chắc chắn, bền vững.

Tiến sĩ – Diễn giả Dương Thu

Bà Dương Thu cũng nhấn mạnh, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần nhớ nhiệm vụ quản trị chiến lược sẽ bao gồm ba phần chính: Thiết lập mục tiêu (xác định tổ chức muốn đi đâu, về đâu), xây dựng kế hoạch (xác định tổ chức sẽ đi đến đó bằng con đường nào), bố trí, phân bổ nguồn lực (tổ chức dùng phương tiện, công cụ gì để đến đó).

Ở phiên chiều, các khách mời được tương tác với nhau và cùng tọa đàm với diễn giả để đưa ra những nhận định, góc nhìn của cá nhân xung quanh vấn đề hoạch định chiến lược. Khi được Tiến sĩ Dương Thu hỏi yếu tố nào quan trọng trong năng lực cần có để hoạch định chiến lược thì ông Dương Mạnh Kiên đã chia sẻ: “Với tôi, tôi sẽ chọn là tầm nhìn rộng, tài hùng biện và sự nhất quán. Vì đó là điều cần thiết và vô cùng quan trọng. Sếp có tầm nhìn thì mới có chiến lược, kế hoạch để nhân viên triển khai thực hiện”.

Khác với ông Mạnh Kiên, ông Dương Hoài Ân đến từ Long An đã chọn yếu tố sự tận tâm. Ông Kiên cho biết, lĩnh vực của ông đang kinh doanh có liên quan đến nông dân nên sự tận tâm của lãnh đạo dành cho nhân viên, người lao động sẽ là yếu tố tiên quyết quan trọng trong việc hoạch định chiến lược của công ty ông.

Tổng kết vấn đề của buổi thảo luận về các yếu tố quan trọng cần có để hoạch định chiến lược diễn giả Dương Thu cho rằng, mỗi doanh nghiệp sẽ có từng góc nhìn riêng. Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển lãnh đạo chiến lược thì bà Thu nhận ra rằng: Chúng ta nên chọn sẵn lòng ủy thác và trao quyền. Bởi chỉ có khi ta tin tưởng trao quyền thì mới có thời gian để có tầm nhìn rộng mà hoạch định chi tiết các chiến lược.

Dương Kiều Diễm

Ảnh: KKD

 

About Ban Thông tin truyền thông

View all posts by Ban Thông tin truyền thông →