Họ Dương Việt Nam phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng
Phát huy truyền thống dòng họ khoa bảng, họ Dương Việt Nam lấy hoạt động khuyến học khuyến tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn dòng tộc.
Truyền thống yêu nước, hiếu học từ thuở sơ khai đất nước
Họ Dương Việt Nam là một dòng họ xuất hiện sớm với truyền thống yêu nước, hiếu học được tiếp nối qua bao thế hệ từ thời sơ khai cho đến ngày nay.
Vào thời dựng nước sơ khai, họ Dương có Dương Lạc Tướng giúp vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, xây dựng nước Văn Lang; có Thừa tướng Dương Minh Triết giúp vua Hùng Vương thứ nhất lập 15 bộ quản lý đất nước, đánh thắng giặc Ân; có Lạc tướng Dương Minh Thắng thời Hùng Vương thứ VI.
Thời Bắc thuộc, thế kỷ IX có Dương Thanh, thế kỷ X có Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha.
Xây nền tự chủ có Thái hậu Dương Vân Nga, có tướng quân Dương Tự Minh nhiều lần đánh thắng giặc Tống bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, nhà Trần – Lê có Dương Công Đình, nhà Lê – Mạc một huyện Tân Yên (Bắc Giang) có 18 quận công Họ Dương.
Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ có Dương Đình Hậu (Cai Hậu – Phó tướng của Đề Thám), Dương Văn Hạnh (Phó tướng của Trương Định), Dương Quốc Chính, Dương Bá Trạc, Dương Minh Châu… và các thế hệ người Họ Dương đã không tiếc máu xương cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Sau chiến tranh, người Họ Dương ba miền (Bắc – Trung – Nam) đã tìm đến nhau để thành lập Ban liên lạc là tiền thân của Hội đồng Họ Dương Việt Nam ngày nay – một tổ chức mang tính xã hội để chăm lo sự nghiệp phát triển của Họ Dương Việt Nam và nhiệm vụ trọng tâm số một là khuyến học – khuyến tài.
Họ Dương được công nhận là Dòng họ khoa bảng với tổng số 57 vị Tiến sĩ, Trạng nguyên (50 Văn, 7 Võ). Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với 82 văn bia thì 21 bia có tên người họ Dương.
Ngoài Dương Chấp Trung, Dương Đức Nhan còn có Dương Văn Đán – Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi (1463), đi sứ nhà Minh, quan Thừa chính sứ; Dương Như Châu – Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1466) quan Tri Chế Cáo; Dương Tĩnh – Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1478) chức quan Công Bộ Tả Thị Lang cùng các Tiến sĩ Dương Bính, Dương Khải, Dương Trí Dũng, Dương Trí Trạch, Dương Thuần, Dương Cáo, Dương Hoàng, Dương Hạo, Dương Công Độ, Dương Lệ, Dương Bật Trạc, Dương Quán, Dương Công Thụ, Dương Trọng Khiêm, Dương Sử, Dương Nguyên Huống.
Tại Hội thảo “Họ Dương Việt Nam với phong trào khuyến học – khuyến tài” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/9/2014, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết: “Họ Dương Việt Nam đã có nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài trong nhiều năm qua và gặt hái được những thành quả tốt đẹp.
Trước cuộc vận động đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, Hội đồng Họ Dương Việt Nam hưởng ứng tích cực với phong trào khuyến học, khuyến tài, triển khai Nghị quyết của Đảng về xây dựng mô hình giáo dục mở – mô hình xã hội học tập và Quyết định 281/QĐ-TTg”.
Phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng họ Dương Việt Nam
Tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng tốt đẹp của cha ông, ngày 26/5/2011, Hội đồng Dòng tộc họ Dương Việt Nam thành lập quỹ Mừng thọ, khuyến học khuyến tài, được ông Dương Công Minh tài trợ mỗi năm hàng chục tỉ đồng.
Đó là đòn bẩy quan trọng đánh dấu bước ngoặt và tạo ra bước phát triển mới cho hoạt động của Họ Dương Việt Nam.
Ngày 2/12/2012, tại thành phố Bắc Giang, lễ vinh danh học sinh giỏi Họ Dương Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức trang trọng trước bà con họ Dương cả nước về dự lễ hội.
Năm 2014, Hội đồng Họ Dương Việt Nam kết hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo cấp quốc gia về khuyến học.
Từ năm 2019, Hội đồng Họ Dương Việt Nam thành lập quỹ Dương Huy Đỉnh, do ông Dương Huy Linh mỗi năm tài trợ gần 10 tỉ đồng giúp các học sinh nghèo có cơ hội học tập, với phương châm “Không để cháu học sinh Họ Dương nào phải nghỉ học vì lý do kinh tế”.
Năm 2023, Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã quyết định vinh danh, khen thưởng khuyến tài cho 4.615 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học năm 2022 gồm: những người đạt giải huy chương vàng, bạc, đồng, khuyến khích, thi văn hóa và thể thao cấp quốc tế, quốc gia; thủ khoa đầu vào đại học và tốt nghiệp đại học xuất sắc; giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ ưu tú và nhân dân, người có sáng chế khoa học được nhà nước công nhận, học sinh trúng tuyển kỳ thi đại học, kể cả trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ cho 3.562 học sinh/ sinh viên năm thứ nhất có hoàn cảnh khó khăn từ Quỹ Khuyến học Dương Huy Đỉnh và hỗ trợ các tài năng trẻ Họ Dương Việt Nam, do ông Dương Huy Linh tài trợ.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng cờ và nhiều bằng khen cho Hội đồng họ Dương Việt Nam, hội đồng họ Dương của 15 tỉnh, thành phố và một số cá nhân có đóng góp tích cực vào phong trào khuyến học dòng họ.
Trung ương hội khuyến học Việt Nam cũng đã ghi nhận họ Dương Việt Nam là dòng họ tiêu biểu cho cả nước về khuyến học khuyến tài và trở thành Dòng họ học tập.
Xác định hoạt động khuyến học khuyến tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn dòng tộc, thời gian tới, họ Dương Việt Nam cải tiến công tác triển khai Chương trình khuyến học – khuyến tài, đảm bảo việc vinh danh khen thưởng thực sự mang tính chất động viên khuyến khích học tập.
Hỗ trợ học tập đúng đối tượng và tạo sự lan tỏa trong dòng tộc và trong cộng đồng, nêu cao trách nhiệm của chủ tịch và thường trực hội đồng họ Dương các cấp.Tăng cường giáo dục tinh thần tự tôn Dòng tộc về Dòng họ khoa bảng/ Nghệ nhân.
Tổ chức tốt việc vinh danh khen thưởng, củng cố và phát triển mô hình Dòng họ học tập. Theo dõi đầy đủ số lượng được vinh danh, khen thưởng hàng năm về phấn đấu học tập, rèn luyện lập thân, lập nghiệp. Tập trung phát hiện và có các biện pháp bồi dưỡng tài năng.
Gương mặt khoa bảng nổi tiếng Dòng Họ Dương
Trạng nguyên Dương Phúc Tư – người mở đầu dòng họ khoa bảng
Dương Phúc Tư sinh năm Ất Sửu (1505), người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa (nay là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Ông đỗ Tiến sĩ cập đệ, Đệ Nhất danh, tức Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, đời Mạc Phúc Nguyên (1547).
Sau khi không làm quan, ông về quê Lạc Đạo sinh sống với con cháu và dạy học. Học trò của ông rất đông, thành đạt, trong đó có nhiều người đỗ cao như Trạng nguyên Phạm Trấn Đỗ (1556). Ông dạy học rất hiệu quả, là tấm gương hiếu học, đạo đức, mô phạm… được con cháu kế thừa và noi theo.
Dương Chấp Trung – kế nghiệp cha võ tướng anh dũng
Dương Chấp Trung (1414 – 1469) quê ở huyện Kỳ Hoa, tỉnh Hà Tĩnh (nay là huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Nhà Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ bị mất, cha con Hồ Quý Ly bị bắt ở núi Thiên Cầm – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, quan quân tan rã. Cha cụ Dương Chấp Trung là Dương Công Nguyên gốc là Võ tướng, về làng Tư Dụng (Cẩm Lạc ngày nay) ẩn dật, sau vào vùng Cẩm Minh lấy vợ sinh con.
Khởi nghĩa Lê Lợi năm 1418 – 1424, Nguyễn Chích từ Thanh Hóa theo đường Thượng Đạo vào giải phóng Nghệ An – Hà Tĩnh. Ông xung phong đứng vào hàng ngũ quân khởi nghĩa, được Trần Nguyên Hãn cử làm Phó tướng. Trong trận Xương Giang nổi tiếng ở Bắc Giang ông tử trận
Sau ngày toàn thắng năm 1428, Trần Nguyên Hãn tâu lên công lao của Dương Công Nguyên đã chém nhiều tướng giặc, tử trận anh dũng. Nhà vua cho con của công thần đã mất kế nghiệp cha. Vì thế, Dương Chấp Trung được vào cung hầu hạ Lê Lợi.
Năm 1448 ông đậu Đệ nhị giáo (Hoàng giáp), được cử làm quan Khởi cư xã Nhân Sơn Tây, sau thăng chức Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường. Năm 1467 làm Hình bộ hữu thị lang có chức giữ chức Đô Đốc Thủy quân….
Ông là người khai khoa mở đường cho trí tuệ Cẩm Xuyên để muôn đời sau các thế hệ tiếp tục noi gương học tập.
Tiến sĩ Dương Văn Căn – ông tổ làng nghề chài lưới
Dương Văn Căn gốc là con một nhà làm nghề chài lưới ở làng Vạn Nghệ (Hà Nam).
Truyện kể rằng: Xưa có đoàn xa giá của vua nhà Nguyễn từ Huế ra kinh lý Bắc Hà, đến xứ Nghệ, nhà vua cho tuyển một số trai tráng làm nghề chài lưới, giỏi sông nước đi theo thuyền vua.
Thuyền theo sông Đáy vào sâu địa phận tỉnh Hà Nam, tới ngã ba Phủ Lý, theo sông Châu ra sông Hồng, nhằm hướng kinh thành Thăng Long
Khi qua địa phận làng Đặm, thấy đây là vùng đất đai màu mỡ, nhà vua cho đổi tên thành làng Dũng Kim (nghĩa là Kho vàng). Một số người theo đoàn xin vua cho ở lại đây làm nghề chài lưới lập ra làng vạn chài gọi là Vạn Nghệ, nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới gốc xứ Nghệ.
Ngay từ nhỏ, Dương Văn Căn quen cuộc sống vất vả cùng nhiều chuyện bất hòa, khó xử xảy ra giữa những người dân quê khi giành giật nhau lạch cá, cửa sông,
Vì thế, sau này, ông lập ra giang bạ, phận chia địa giới, cắm mốc đánh cá cho các làng chài trong tỉnh Hà Nam. Nhờ giang bạ, người dân biết địa phận của mình được tự do thả lưới buông chài, không xâm phạm địa phận làng khác.
Việc làm ăn dễ dàng, đời sống phát triển, giữ được tình làng, nghĩa xóm, người dân không quên công lao của ông Nghè Dương Văn Căn.
Nguồn: Tạp chí Công dân và Khuyến học