Những năm vừa qua, trên địa bàn xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương năng động, sáng tạo, làm kinh tế có hiệu quả cao. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là ông Dương Văn Tứ với mô hình nuôi ong lấy mật.
Gia đình ông Dương Văn Tứ có thuận lợi là đất vườn rộng, gần núi Chẹt là khu vực có nguồn hoa dồi dào, năm 2003, ông Dương Văn Tứ đã học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn chuyển sang nghề nuôi ong lấy mật.
Thời gian đầu, việc nuôi ong gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, hiệu quả của mô hình chưa cao. Không nản chí, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, ông Tứ tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ông tham gia các lớp tập huấn nuôi ong để nâng cao kiến thức. Nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ, linh hoạt vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đàn ong của gia đình ông Tứ phát triển và sinh trưởng tốt.
Ông Tứ cho biết, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi. Tôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong, để đảm bảo nơi ở của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ, phòng tránh bệnh và các loại côn trùng gây hại cho ong. Tùy theo từng thời điểm, phải có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.
Cũng theo chia sẻ của ông Tứ, để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn nhà, ông Tứ còn di chuyển đàn ong đến nhiều địa điểm khác, nơi phong phú về nguồn hoa để ong có nguyên liệu làm mật.
Mùa thu hoạch ong diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, đây cũng là khoảng thời gian nhiều hoa nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hai yếu tố: Thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, ong sẽ lấy mật nhanh và đàn ong phải khỏe mạnh, trong thùng đảm bảo có 8 – 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh.
Đến nay, mô hình của gia đình ông Dương Văn Tứ đang duy trì 80 đàn ong, mỗi năm thu về 650 – 700 lít mật, với giá bán ra thị trường từ 250.000 – 300.000 đồng/lít.
Không chỉ phát triển nghề nuôi ong, ông Tứ còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ nuôi ong trong và ngoài xã, kinh doanh dụng cụ nuôi ong, giống ong và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu. Bình quân mỗi năm, ông bán từ 35 – 40 đàn ong với giá 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/đàn, tùy từng thời điểm. Sau khi trừ chi phí, cơ sở nuôi ong của gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Hướng đến mục tiêu tạo dựng thương hiệu, ngoài việc chú trọng nâng cao giá trị mật ong nguyên chất, ông Tứ cũng quan tâm thay đổi hình thức, quy cách đóng gói sản phẩm nhằm tạo sự chuyên nghiệp, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị. Để làm được điều đó, hiện nay, cơ sở nuôi ong của gia đình ông đang được thực hiện theo quy trình VietGap.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp vào phong trào của hội nông dân, ông Dương Văn Tứ là tấm gương sáng cho các hội viên, nông dân và nhân dân trên địa bàn học tập và làm theo.
Dương Tùng