Trong chuyến đi công tác thăm các gia đình chính sách ở huyện Yên Định (Thanh Hoá). Chúng tôi găp anh Dương Văn Huệ – Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá, người lãnh đạo hơn 30 năm gắn với ngành LĐ-TB&XH, đặc biệt là công việc trực tiếp chăm sóc, giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, luôn mang trong mình một tâm niệm “làm chính sách phải có cái tâm, gắn với nghề chính là để tri ân sự đóng góp xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước với độc lập, tự do của Tổ quốc…”.
Làm chính sách phải có cái tâm
Sinh năm 1963 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Nga Thuỷ, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) nhưng cơ duyên đã đưa anh Dương Văn Huệ gắn với ngành LĐ-TB&XH. Anh Huệ tâm sự: “Gắn với nghề, đặc biệt là lĩnh vực NCC, với tôi âu cũng là một duyên số. Năm 1982, tôi là chiến sỹ Quân chủng Phòng không không quân, tiếp nối với ước mơ từ nhỏ là được trở thành bác sĩ quân y, trong những tháng rèn luyện trong quân ngũ, tôi không ngừng học tập và cho đến tháng 8/1983 tôi thi đỗ vào Học viện Quân y. 6 năm là học viên của Học viện Quân y, tôi luôn học hỏi và trau dồi những kiến thức học được tại Học viện với ước mơ sẽ làm một bác sĩ giỏi để cứu người, chữa khỏi bệnh tật cho thương, bệnh binh, cho đồng đội, cho người dân.
Khi còn học trong Học viện, tôi có nhiều chuyến đi thực tế tại các TT Điều dưỡng thương binh nặng của các tỉnh, nhìn thấy các bác, các chú thương bệnh binh vật vã trong những cơn đau do vết thương tái phát, tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trực tiếp tận tay mình điều trị và chăm sóc cho các thương, bệnh binh nơi đây. Tháng 10/1989, tôi xin về làm bác sĩ phụ trách khoa thương binh thuộc Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thanh Hóa. Và bắt đầu từ đấy gắn với công tác chăm sóc các đối tượng chính sách người có công”.
Có lẽ do ảnh hưởng truyền thống cách mạng của gia đình bởi những người anh, người chị là bộ đội nên khi gắn với ngành, tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp cho các đối tượng người có công anh Huệ rất thấu hiểu, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của họ. “Ngày đầu mới về TT, công việc còn bỡ ngỡ, bởi nơi đây là nơi nuôi dưỡng và chăm sóc các thương binh nặng, đa số các chú, các bác ở đây tuổi đã cao cùng với vết thương thường xuyên tái phát nên hay khó chịu trong người, nhiều y, bác sĩ thường xuyên bị mắng chửi. Song với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên tại Trung tâm đã không quản ngại khó khăn vất vả, tận tình chăm sóc những người có công với cách mạng”.
“Tình yêu thương của các cán bộ, nhân viên nơi đây đã mang đến cho các thương binh niềm vui, cũng như tạo nên một mái nhà chung của những người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài công việc hàng ngày là giúp các thương bệnh binh ăn uống và chăm sóc y tế mỗi khi trái gió trở trời, các nhân viên Trung tâm còn gần gũi, động viên các đối tượng, giúp đối tượng có được tinh thần tốt nhất khi ở đây. Cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn xem các thương bệnh binh như người thân yêu, tạo cho các thương binh được sống trong bầu không khí ấm áp như một gia đình, cảm nhận được tình cảm các cán bộ, y bác sĩ ở đây dành cho mình. Được chăm sóc và điều trị cho các thương bệnh binh là tri ân trực tiếp với người có công, ghi nhận những đóng góp của họ cho quê hương, đất nước” – anh Huệ chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của cá nhân anh Dương Văn Huệ, từ tháng 11/1994 anh được bổ nhiệm Phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thanh Hóa. Đến tháng 5/2010 được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm. Đến tháng 6/2010 anh tiếp tục được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá phụ trách lĩnh vực chính sách người có công cho đến nay.
Gắn với nghề là để tri ân
Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Anh Dương Văn Huệ cho biết: “Với chức năng và nhiệm vụ của mình, tôi đã không ngừng nghiên cứu các chính sách người có công để tham mưu cho lãnh đạo Sở, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá những quyết sách triển khai giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách cho người có công kịp thời, đúng quy định. Cụ thể, giai đoạn 2013 – 2020, đã tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới cho trên 7.819 người có công, Đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 78.000 người có công, thực hiện đầy đủ các chính sách về chăm sóc sức khỏe, trang cấp, ưu đãi giáo dục và các chính sách ưu đãi khác đối với người có công; chăm sóc thường xuyên 220 – 230 người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, tổ chức điều dưỡng cho trên 35.000 người có công hàng năm”.
Trong suốt hơn 30 năm gắn với nghề ở một tỉnh có số lượng người có công lớn, tiếp xúc và giải quyết hàng nghìn bộ hồ sơ với người có công nhưng với anh Dương Văn Huệ vẫn luôn mang trong mình những trăn trở, những tâm sự canh cánh trong lòng. Anh Huệ trăn trở: “Với những người có công thực sự, họ phải xứng đáng được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành trên các cơ sở, căn cứ pháp lý. Mình làm mảng chính sách thì phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn họ làm sao để hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục để Nhà nước ghi nhận. Bởi đó là danh dự, là sự đóng góp của họ cho đất nước, họ đã đóng góp xương máu của mình thì cũng chỉ mong muốn được Nhà nước ghi nhận công lao.
Mỗi lần đến thăm, gặp gỡ, mà thấy cuộc sống của người có công ngày càng tăng, sức khỏe họ được chăm sóc tốt hơn thì bản thân cũng thấy rất là vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số đối tượng người có công mà chưa được nhà nước công nhận bởi họ không còn giấy tờ, thủ tục chứng minh. Mặc dù Chính phủ, liên Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng vẫn khó khăn cho việc xử lý, thiếu các căn cứ để làm chứng nên việc xử lý khó, chính quyền địa phương cũng không có căn cứ để xác định bởi cán bộ hầu hết là trẻ nên việc xác định cực khó. Hầu hết là các đối tượng tham gia chống Mỹ, tuổi cao, sức yếu mà lại chưa được Nhà nước ghi nhận”.
“Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, việc thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều kết quả. Thực hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ” Đền ơn đáp nghĩa ” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” công tác thương binh liệt sĩ, chăm sóc người có công đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị – xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công cách mạng. Đến nay, hơn 99,8% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện” – anh Huệ thông tin thêm.
Chia tay anh, người lãnh đạo suốt hơn 30 năm cống hiến và tận tuỵ với nghề, với ngành LĐ-TB&XH. Những tâm sự, những trăn trở với nghề, nỗi canh cánh trong lòng, những tâm nguyện vẫn chưa thực hiện được hồ sơ đầy đủ cho một số đối tượng người có công đã mang theo anh suốt cả một chặng đường dài công tác. Mong rằng trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục cống hiến hết mình hơn nữa cho sự nghiệp của ngành, chăm sóc, phụng dưỡng, và tri ân với các thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công, như tâm sự của anh “Gắn với nghề là để tri ân”.
Nguồn: Báo Dân Sinh