Về phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhắc đến ông Dương Văn Tác (sinh năm 1964), Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Do Xuyên – Ba Làng không ai là không biết. Thương hiệu nước mắm mang tên Tác Huy do gia đình sản xuất, từ lâu đã có thương hiệu không chỉ ở tỉnh nhà mà còn vươn ra cả nước.
Mặc dù năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Dương Văn Tác rõ ràng hơn ai hết về việc cạnh tranh thương hiệu nước mắm trên thị trường. Bao nhiêu năm đi tìm đầu ra cho sản phẩm nước mắm, ông Dương Văn Tác hiểu được, nếu chỉ dừng lại ở những sản phẩm nước mắm đơn thuần thì thương hiệu nước mắm Tác Huy sẽ bị tụt hậu. Tụt hậu ngay chính tại quê nhà trong số 23 doanh nghiệp và hộ sản xuất thuộc Hiệp hội Nước mắm Do Xuyên – Ba Làng.
Chính vì lý do đó, Hiệp hội Nước mắm Do Xuyên – Ba Làng do ông làm chủ tịch Hiệp hội là nơi chia sẻ kinh nghiệm để các hộ kinh doanh, các đơn vị sản xuất nước mắm đưa ra các sản phẩm đạt chất lượng và bán được giá thành cao nhất. Ngoài việc kết nối các cơ sở với nhau thì yêu cầu của hiệp hội là các hộ làm nước mắm phải giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, không được bán các sản phẩm dưới 20 độ đạm ra thị trường.
Tạo dựng liên kết các cơ sở để cùng nhau xây dựng mối liên kết. Không dừng lại ở đó, với thương hiệu nước mắm gia đình, ông Dương Văn Tác luôn theo đuổi thứ nước mắm thượng hạng. Đối với ông Dương Văn Tác, khởi nghiệp làm nước mắm là không dễ. Ngoài yêu cầu về vốn tương đối lớn, thì bạn hàng là vấn đề rất quan trọng. Muốn làm gì thì làm phải đảm bảo được nguyên liệu đầu vào. Cụ thể với gia đình ông, mỗi năm để bán 200 tấn nước mắm thì ông phải gối vụ ít nhất 600 tấn cá, phải có muối, bể đựng… rồi xưởng chế biến, kho đông lạnh.
“Riêng nghề làm mắm không thể vội. Để ra được chai mắm tôi phải ủ ít nhất 3 năm mới mang ra thị trường. Nước mắm càng để lâu càng ngon, dù lượng nước mắm có hụt đi nhưng lại được chất lượng. Quan điểm của tôi là bước từ từ thì sẽ chắc chứ cứ nhìn thấy người ta đi mà vội là dễ mất hết. Họ đi nhanh để làm giàu kệ họ. Mỗi người đi mỗi hướng”.
Bí quyết để có nước mắm ngon theo ông Dương Văn Tác phải lựa chọn được nguyên liệu sạch. Bí quyết riêng, rất nhỏ thôi. Khi con cá cầm mỡ rồi thì muối mắm sẽ bị chìm, nhiều váng mỡ. Vì thế ông chỉ chọn những con cá nục loại nhỏ bằng ngón tay cái, không dám muối loại cá to và phải thường xuyên vớt váng mỡ. Bí quyết vẫn chủ yếu là cá tươi và được nắng. Cái ngon của nước mắm Hải Thanh nói chung và nước mắm Tác Huy nói riêng là cá đánh trong ngày, không phải qua đá. Cá có thể ngửi đá chứ không cho ăn đá, vì dính đá làm nước mắm dễ đắng. Hơn hết là thời tiết, nếu bắt nắng thì nước mắm sẽ có hương hơn.
Chính vì thế mà đã từ khá lâu, gia đình ông Dương Xuân Tác không làm nước mắm giá rẻ, chỉ hướng đến sản phẩm chất lượng cao để đưa thương hiệu ra thị trường. Việc đưa sản phẩm nước mắm Tác Huy đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa mới đây là thành quả suốt bao năm phấn đấu của gia đình ông. Ông hy vọng sản phẩm nước mắm Tác Huy đạt OCOP thì sẽ vào siêu thị dễ hơn và được tạo điều kiện hơn.
Chia sẻ về tấm gương điển hình người làm kinh tế giỏi, ông Hồ Văn Dũng -Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: Tôi đánh giá cao sự kiên trì của ông Dương Văn Tác khi xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, nhờ đó, ông có thể mở rộng xưởng, tạo công ăn việc làm cho bà con. Trước đây sau khi làm ra sản phẩm, người sản xuất phải đi tìm đầu ra, còn hiện nay các mối hàng tự tìm đến hộ sản xuất với nhiều đơn đặt hàng dài hạn. Nhìn thấy những lợi thế như vậy, với địa bàn có tới 20.000 dân, chúng tôi đang vận động tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất phấn đấu trong năm 2021 này, trên địa bàn phường ít nhất có thêm vài sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Tôi tin là trong thời gian không xa, nước mắm thượng hạng Tác Huy sẽ được nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao, bởi với một người “không bao giờ chấp nhận đánh mất thương hiệu vì lợi nhuận” như ông Dương Văn Tác chỉ nhìn qua biết con cá nào ngon, ngửi mùi biết nước mắm nào giàu đạm, thơm ngon đến giọt cuối cùng thì việc nâng niu sản phẩm truyền thống, giữ gìn thương hiệu cho chính mình là điều ông phải duy trì và phát triển.
Dương Tùng