Dương Vân Nga tên thật là Dương Thị Ngọc Vân sinh tại Đông Lỗ trang, nay là thôn Đông Lỗ, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Bà là “người phụ nữ Họ Dương” đã đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của Dòng tộc, trao lợi ích tối cao cho Thập đại tướng quân Lê Hoàn cầm quân dẹp giặc, đưa ông lên làm thiên tử. Sau khi thắng trận, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, Lê Đại Hành đã lập Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Tên tuổi bà, chí khí của bà đã soi sáng ngàn thu, được đời đời ngợi ca: Vì dân, vì nước quên thân, được Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao trong Chúc văn đọc tại lễ kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương năm 2010. “Dương Thái hậu một lòng vì nước, thay tiên vương trao áo hoàng bào” xứng danh là Anh Thư nữ kiệt (1).
1. Về thân thế của Dương Vân Nga:
Cho đến nay chưa thấy có tài liệu gốc nào cho biết ngày, tháng, năm sinh, tuổi đời của bà chỉ duy nhất có “Đại Việt sử ký toàn thư” là chép được một đoạn về năm mất của Bà: “Canh Tý (Ứng Thiên) năm thứ 7: Đại Thắng Minh hoàng hậu mất”. Đó là năm dương lịch 1000, năm cuối cùng của thế kỷ thứ X (2). Như vậy là chí ít cũng là vào năm bà từ trần ấy để có thể lần tìm ra: Năm sinh, tuổi đời, đồng thời dựa vào một vài mốc thời gian và đời sống của một số nhân vật lịch sử quanh bà, có liên quan đến bà để tìm hiểu về lai lịch, thân thế của bà. Dựa vào những chứng tích cụ thể của lịch sử và khảo cổ học thì Dương Vân Nga là con gái Dương Tam Kha, cháu nội của Hào trưởng Dương Đình Nghệ đất Dương Xá (làng Giàng), anh hùng của trận quyết chiến, chiến lược Đại La Thành (931), đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nam Hán; Là cháu gái của Dương Thị Như Ngọc vợ Ngô Quyền. Còn là một người có lai lịch “Con ông cháu cha”, toàn là những nhân vật lẫy lừng của lịch sử Việt Nam thế kỷ X và được gả cho Đinh Bộ Lĩnh trong một thời điểm lịch sử cụ thể, ở một không gian lịch sử cụ thể của cuộc dẹp loạn “Thập nhị sứ quân” ở vùng Thanh Hóa. Do đó, mà từ đây có nhiều cơ sở rõ ràng, hợp lý hơn để hiểu được sự hình thành nhân cách và bản lĩnh, hành vi sự nghiệp của bà ở phần cuộc đời sau này.
Theo chính sử, vị Vạn Thắng Vương họ Đinh dẹp loạn “Thập nhị sứ quân” đánh dẹp sứ quân Ngô Xương Xí ở Bình Kiều năm 968, Đinh Bộ Lĩnh ghé vào Đông Lỗ trang và cưới bà, lúc ấy Đinh Bộ Lĩnh (sinh năm 924) 44 tuổi và bà 27 tuổi. Tiếp tục sự suy diễn này, bà sinh Đinh Toàn (974) lúc bà khoảng 33 tuổi và trở thành Đại Thắng Minh hoàng hậu của Lê Hoàn (982) ở độ tuổi 40 (3). Như vậy là bà sinh khoảng năm 941- 942, mất năm 1000 hưởng thọ 59 tuổi.
Những con số về năm tháng, tuổi tác, thân thế gia đình như đã trình bày ở trên xem ra có vẻ hội tụ được nhiều điều phù hợp với tình hình thực tế trong cuộc đời và sự nghiệp của bà.
2. Về sự nghiệp của bà Dương Vân Nga:
Cho đến nay dựa vào những chứng tích cụ thể của lịch sử, kể cả những tư liệu truyền thuyết, dân gian ta thấy những thông tin chủ yếu liên quan đến sự nghiệp của bà Dương Vân Nga được bộc lộ và ghi nhận vào khoảng thời gian sau khi Đinh Tiên Hoàng mất (năm 979).
Về những năm tháng bà Dương Vân Nga ở cương vị tối thượng của triều đình Hoa Lư các nguồn tư liệu mà ta được biết chỉ có thể gợi ý cho ta những suy nghĩ để mà nhận thức và kiến giải: Đó là lúc bà Dương Vân Nga ở vào tuổi 35 – 40, một độ tuổi vừa sung sức, vừa đủ độ chín của đời người, vừa có thể vận dụng những năng lực vốn có của bản thân được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hào trưởng yêu nước quyết tâm chống xâm lược, một môi trường đông đảo những nghĩa sĩ sục sôi chống xâm lăng, đầy ý chí và lòng dũng cảm. Sau một thời gian sống giữa triều đình Hoa Lư khoảng 10 năm (từ 968 – 979), đủ để vừa “làm quen” vừa tôn tạo địa vị của mình giữa các công việc triều chính, vừa có thể khai thác, vận dụng những tiềm năng đã được tích lũy thủa thiếu thời (trước năm 968) khi còn là một cô gái được sinh thành và sinh sống giữa thế giới dòng Họ Dương cự tộc vùng Dương Xá (làng Giàng), đồng thời là thế lực trung tâm của những cuộc vận đông – vận hành lớn của lịch sử đương thời – một giai đoạn lịch sử đầy biến động, chứa đựng nhiều khả năng để hình thành bước ngoặt, hoặc thành sự thăng hoa, cũng như không loại trừ sự sa sảy, hiểm nghèo nữa.
Sự nghiệp của bà Dương Vân Nga đã xuất lộ và được “đặt cược” vào giữa sóng gió và sự biến động lịch sử ấy.
– Thứ nhất là việc Bà ứng xử, đối phó với những thử thách nhằm vào thế vững mạnh của sự tồn tại Vương triều Đinh, cũng chính là sự tồn tại của đất nước vào lúc bắt đầu có sự nhận ra của người đương thời là không còn Đinh Tiên Hoàng nữa mà chỉ có vua nhỏ Đinh Toàn và người mẹ, vừa được tôn vinh là Hoàng Thái Hậu.
Có hai động thái cực kỳ nghiêm trọng lúc bấy giờ đòi hỏi người nắm quyền tối thượng “nhiếp chính” – Hoàng Thái hậu phải xử lý thật chính xác, giữa muôn trùng khó khăn và bộn bề là việc: “Ngô Nhật Khánh phò mã vốn lưu vong bấy lâu ở Chiêm Thành, nay nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, đã dẫn hơn ngàn chiến thuyền Chiêm Thành đến đánh cướp Hoa Lư; những trụ cột của triều đình Hoa Lư là: Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp tranh giành quyền bính với phó vương Lê Hoàn đã dẫn quân thủy bộ đến chiếm đánh Hoa Lư, muốn trừ khử đối thủ.
Ở động thái thứ nhất, do sử cũ chép quá vắn tắt nên nhiều người vẫn tin rằng: Nhờ “tự nhiên” có gió bão nổi lên làm lật đắm nhiều chiến thuyền Chiêm Thành của Nhật Khánh, nên không nhận rõ vai trò và tác động của Dương Vân Nga trên cương vị là Hoàng Thái Hậu, ở ngôi cao hơn cả vua nhỏ Đinh Toàn lúc ấy, đã thực sự ảnh hưởng đến việc dẹp loạn Ngô Nhật Khánh là như thế nào (“nhưng có lẽ chỉ bằng một việc tìm ra di tích thành Thiên Phúc và sự tích “rừng Tràn Sinh” ở vùng cửa biển Thần Phù (Yên Mô – Ninh Bình ngày nay) cũng đã cho thấy: Ở đây, trước khi bão lụt, lực lượng Nhật Khánh – Chiêm Thành đã bị tổ chức chặn đánh như thế nào”)(4).
Ở động thái thứ hai, không ai không nhận ra vai trò nguyên thủ của Hoàng Thái hậu trong việc xử lý vụ: “Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp” thông qua sự đồng ý, đồng tình mà còn nhận ra và đánh giá rất cao sự công bằng, vô tư, sáng suốt, chính xác trong nội dung tuyên bố của Lê Hoàn: “Đinh Tiên Hoàng đế mắc nạn, thần người đều căm thẹn, các ngươi là tôi con, lại nhân lúc tang tóc bối rối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế”. Đặc biệt là tầm sâu rộng trong cả suy nghĩ lẫn hành động của Hoàng Thái hậu đối với vụ “Đinh, Nguyễn, Phạm” cũng chính là một trường hợp trọng yếu làm nên sự nghiệp của bà.
– Thứ 2 là việc vào khoảng tháng 7 năm Canh Thìn (980). Mười tháng sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, một tháng trước khi Vua Tống hạ chiếu phái đại binh sang xâm lược nước ta. Trước bối cảnh lịch sử khó khăn chồng chất khó khăn ấy, một đối sách của nhà nước Đại Việt cũng cần được quyết định ngay: Chuẩn bị chống xâm lược – cố gắng, công bằng và sáng suốt tạo được những nhân tố thuận lợi cho cuộc kháng chiến. Nhân tố đó được phát hiện và giao trọng trách ngay: “Đại tướng quân Phạm Cự Lạng”. Nhiều nghiên cứu đã quy công và khen ngợi việc này vào cho Lê Hoàn, vì Phạm Cự Lạng không phải ai khác chính là em Phạm Hạp, người vừa mới là đối thủ, kình địch của Lê Hoàn. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ và đọc kỹ sử cũ, sẽ thấy người thực sự có chủ trương vừa là người thực sự điều hành việc này, lại là Hoàng Thái Hậu. Với một câu ngắn gọn đúng như “Đại Việt sử ký toàn thư” chép đã cho thấy rõ. “Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người Nam Sách giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân”(5).
Hoàng Thái hậu – Dương Vân Nga, bằng một quyết định kép trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi ở tháng 7 năm Canh Thìn (980) vừa xác định đường lối chiến lược cho cả quốc gia và lịch sử lúc bấy giờ là kháng chiến, lại vừa quyết định được thật cụ thể và chính xác một vấn đề “nhân sự” không chút nào đơn giản trong hoàn cảnh bấy giờ, đã hoàn toàn bộc lộ là một nữ chính khách đủ cả Tâm Đức và sự lão luyện tài ba đứng đầu sự nghiệp triều chính, cũng như là nhà nước và dân tộc trước một tình thế hiểm nghèo và phức tạp của lịch sử thế kỷ thứ X.
– Thứ 3 là việc còn lớn lao, trọng đại hơn nữa cũng diễn ra thời gian tháng 7 năm Canh Thìn (980) đó là quyết định thay đổi triều đại, chủ động tự kết thúc Vương triều Đinh, đồng thời khai sáng, mở sự nghiệp cho Vương triều Tiền Lê của Hoàng Thái hậu.
Trong quyết định lịch sử này, ta thấy có sự nhạy bén, tôn trọng, biết sớm lựa chọn, ủng hộ, làm theo những nhân tố mới và sự phát triển có giá trị của tình thế và lòng người của Dương Thái hậu. Đó là những điều đã được ghi lại rất ngắn gọn nhưng rất sinh động, cụ thể trong sử sách: “Khi triều đình của Hoàng Thái hậu Họ Dương và vua nhỏ Đinh Toàn đang bàn kế hoạch xuất quân chống giặc Tống, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận, đi thẳng vào nội phủ, nói với mọi người rằng: “Thưởng cho người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sống để thi hành việc quân. Nay Chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài may có chút công lao thì ai biết cho? Chi bằng trước hết hãy tôn ông Thập đạo (Lê Hoàn) làm thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô vạn tuế (6).
Như vậy, một vấn đề đặt ra nữa với Hoàng Thái hậu Họ Dương trong tư thế của Hoàng Thái Hậu triều đình Hoa Lư. Đó là việc thay đổi triều đại, không chỉ là ý nguyện đúng đắn của mọi người, mà còn là điều kiện tối thiết, liên quan đến sự thắng, bại của cuộc kháng chiến sắp đến, cũng như sự sống còn của “nước nhà ta” (chữ thường dùng của chính bà). Vì thế hoàn toàn bà có thể nhận ra, trong sự tất nhiên phải cân nhắc một cách nặng nề và khó khăn việc tự hủy một vương triều mà Bà là người đại diện tối thượng. “Hoàng Thái hậu Họ Dương” đã được tầm cao của tư tưởng vì “nước nhà ta” của chính bà nâng đỡ rất nhiều khi đi đến quyết định “lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế”(7)được bà thực hiện vào tháng 7 năm Canh Thìn (980) đã không chỉ làm bà đẹp hẳn lên trong hình tượng văn hóa mà còn khiến cho sự lớn lao trong sự nghiệp của bà bội phần cao cả.
3. Kết luận:
Hoàng Hậu lưỡng triều – Dương Vân Nga là một hiện tượng đặc sắc của thế kỷ thứ X và cũng là hiện tượng hiếm, lạ của lịch sử Việt Nam. Mặc dù còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ cũng như còn nhiều “khoảng trống nhận thức” chưa được điền đầy, trong cuộc đời và sự nghiệp của bà (8) nhưng ít nhất cũng chắc chắn:
Một là: Thái hậu Dương Vân Nga đã biết hy sinh quyền lợi hạn hẹp của gia đình, Dòng tộc và bản thân để đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, cộng đồng lên trên hết.
Hai là: Mặc dù Dương Vân Nga là phụ nữ, nhưng bà đã sớm có tầm nhìn chiến lược, chính xác và cũng rất nhân bản để nhận ra cái chân giá trị của Lê Hoàn.
Ba là: Dương Vân Nga là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chính thống đã nêu một tấm gương sáng về quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình – quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân mà không phụ thuộc vào giáo lý phong kiến cũng như thói thường của dư luận. Nhân dân đồng cảm và đồng tình với mối tình cao đẹp của Hoàng Thái hậu. Hình ảnh và dấu ấn cuộc đời của bà để lại là sâu đậm và cao quý trong lòng người Ninh Bình nói riêng, cũng như là quê hương và dân tộc Việt Nam nói chung.
Dương Đức Quảng
Tài liệu tham khảo:
1. Vài nét về lịch sử và truyền thống dòng tộc HDVN – Thường trực Dòng tộc HDVN – Kỷ yếu hội thảo Khoa học quốc gia: Vai trò của các AHDT Khúc – Dương – Ngô thế kỷ X, Tr.144
2. Cố đô Hoa Lư lịch sử và danh thắng – Lã Đăng Bật, NXB Thanh niên HN.1998, Tr.56
3. “Dương Vân Nga – Dương Thái hậu, lịch sử và huyền thoại” Nguyễn Danh Phiệt, TCLS số 299-H.1998 Tr.41
4. “Cố đô Hoa Lư”, Nguyễn Văn Trò, NXB Văn hóa dân tộc – H.1998, Tr.138 – 139
5. “Đại Việt sử ký toàn thư” tập 1 – NXB Khoa học xã hội HN.1998 Tr.217
6. Đại Việt sử ký toàn thư – Sách đã dẫn Tr.217
7. “Việt sử lược” Bản dịch của Trần Quốc Vượng, NXB: Văn Sử Địa H.1960 Tr.55.