Lịch Sử HDVN

Cựu chiến binh Dương Đình Nhì lật giở trang lý lịch quân nhân

Trong trận quyết chiến chiến lược, Thanh Hóa huy động cao nhất sức người, sức của, cùng các mặt trận phối hợp, cả nước hướng về Điện Biên Phủ. Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do đã quy tụ, nhân thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày nhiều kỷ vật, tư liệu, hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trong đó có chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục chở hơn 3,45 tạ/chuyến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước nhu cầu số lượng lớn lương thực, thực phẩm để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ngoài những gia đình có phương tiện, Nhân dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa chung góp, mua thêm những chiếc xe đạp, trang cấp cho các đại đội xe thồ phục vụ chiến dịch.

Cựu chiến binh Dương Đình Nhì lật giở trang lý lịch quân nhân

Theo ông Dương Đình Nhì, sinh năm 1936, ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa: Lần đầu tiên quân đội ta có pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ khu vực Đồng Đăng-Kỳ Lừa, tỉnh Lạng Sơn, ông cùng Đoàn pháo cao xạ 367 thường xuất phát 17 giờ chiều hành quân bằng phương tiện cơ giới đến 2 giờ sáng hôm sau thì dừng lại đào hầm, xây dựng trận địa pháo, tham gia chiến đấu bảo vệ những điểm đèo, dốc hiểm trở, khu vực máy bay địch thường đánh phá, chiều hôm sau đơn vị tiếp tục hành quân.

Vừa di chuyển, vừa chiến đấu, đoàn pháo cao xạ cơ động chừng một tháng thì đến chiến trường Điện Biên Phủ, xây dựng các trận địa cách sân bay Mường Thanh chừng 10 km, khống chế, cắt đứt tuyến chi viện, vận tải bằng đường hàng không của địch. Bộ đội pháo cao xạ luôn khắc ghi, làm theo lời Bác Hồ dạy, phải nêu cao bản lĩnh anh hùng tập thể, không rời vị trí chiến đấu, nhằm thẳng quân thù mà bắn. Đoàn pháo cao xạ còn phối hợp với các đơn vị pháo mặt đất tiêu diệt máy bay, xe tăng địch; hỗ trợ bộ đội bộ binh bao vây, tiêu diệt hỏa lực, binh lực, đập tan các các đợt tái đánh chiếm cứ điểm, các điểm cao của địch.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa luôn luôn có quyền tự hào với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đồng thời khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc Việt Nam anh hùng, chiến thắng của sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của các giai cấp, giai tầng, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam yêu nước mang trong mình “máu đỏ, da vàng” và hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” Việt Nam.

VIỄN PHƯƠNG (CTV)
Nguồn: Báo Thanh Hoá