Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, cũng là ngày để người dân Việt Nam nói chung và con cháu Họ Dương nói riêng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Đối với người Việt Nam, ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 đóng một vai trò và ý nghĩa quan trọng.
Mộ Liệt sĩ Dương Huệ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk
Trong những anh hùng Liệt sĩ không thể không nhắc tấm gương chiến đấu anh dũng người tiểu đoàn trưởng mưu trí hết lòng vì đồng đội đó là Liệt sĩ mang quân hàm Thượng uý Dương Huệ (còn được gọi là Dương Oanh) sinh năm 1941, liệt sĩ nhập ngũ tháng 5/1962, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316, Quân đoàn 3 (nay là Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2). Quê quán Liệt sĩ ở Xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, thường trú tại Xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Liệt sĩ Dương Huệ kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3 năm 1968.
Tình yêu cuộc đời liệt sĩ Dương Huệ
Bà Trịnh Thị Thới vợ Liệt sĩ Dương Huệ và con gái Dương Thị Đức Hồng và hai con của chị Hồng
Tâm sự với chúng tôi Bà Trịnh Thị Thới, Sinh năm 1949, ở Xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá là vợ liệt sĩ Dương Huệ cho biết: Tôi quen biết liệt sĩ Dương Huệ là chồng tôi từ đầu năm 1974, khi đó chồng tôi bị thương đưa ra bắc điều trị tại quê hương tỉnh Thanh Hoá, khi đó chồng tôi là tiểu đoàn trưởng còn tôi là giáo viên cấp hai trường Hoằng Tiến, tỉnh Thanh Hoá. Sau một thời gian tôi và chồng tôi có quen biết từ khi chồng tôi bị thương lúc đó tôi nhớ ông Yên, chính trị viên phó tiểu đoàn giới thiệu tôi cho chồng và vợ chồng tôi cưới vào ngày 2/9/1974 và sinh sống tại xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Tháng 12/1974 đơn vị chồng tôi về đưa tôi vào đơn vị thăm chồng một tuần, để chồng tôi cùng đơn vị chuẩn bị chủ lực hành quân vào nam. Đầu năm 1975 liệt sĩ Dương Huệ đánh quân trận buôn mê thuột, thì tôi biết mình đã mang thai được 3 tháng, chồng tôi còn nhắn nhủ nếu là con gái thì đặt tên là Hồng vì ông là Huệ, con trai thì đặt tên là Đức Hoằng vì Đức phổ quê ông và Hoằng Hoá quê tôi, ngày 12/8/1975 tôi sinh con gái duy nhất và đặt tên là Dương Thị Đức Hồng. Ngày 14/3/1975 chồng tôi hy sinh tại căn cứ Trung đoàn 53 ngụy quyền Sài Gòn (sân bay Hòa Bình, thị xã Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Sau khi mất Liệt sĩ Dương Huệ truy tặng phong quân hàm Đại uý.
23 tuổi niềm vui oà khóc tiếng gọi cha thiêng liêng
Tâm sự với chúng tôi chị Dương Thị Đức Hồng, sinh năm 1975 con gái duy nhất Liệt sĩ Dương Huệ cho biết hành trình lần đầu tiên được gọi cha: Đầu năm 1997 gia đình tôi nhận được một bức thư của Bác sĩ làm ở Viện dịch tễ Tây Nguyên báo tin mộ Liệt sĩ Dương Huệ tức bố tôi tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, trong bức thư bác sĩ có nói lý lịch của bố tôi khi cần báo tin cho ai ghi rõ là vợ tức mẹ tôi bà Trịnh Thị Thới ở xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá lúc đó cảm xúc vui mừng biết bao, thời gian đó gia đình chưa có điều kiện để vào thăm liền, tới tháng 6/1998 nơi mẹ tôi công tác tổ chức đi du lịch ở Huế và tôi cùng chuyến đi đó, khi đó thật tình cờ tại Huế biết đến một đoàn du lịch chuẩn bị đi Đà Lạt có một chú trong đoàn cho đi cùng tới Quãng Ngãi và tôi nghỉ chân tại nhà bà con họ hàng bố tôi bấy giờ sau 1 buổi tối.
Chị Dương Thị Đức Hồng con gái Liệt sĩ và ông Ngô Minh Nhẫn – Nguyên chánh thanh tra huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên năm 1998 tìm thấy phần mộ Liệt sĩ
Tôi tiếp tục hành trình tới nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, lúc bây giờ con tim vừa mừng vừa vui khó diễn tả khi lần đầu tiên thấy bố tôi cùng đội đã anh dũng hy sinh nằm tại mảnh đất nơi đây, tiếng khóc như xé tâm can lần đầu tiên cất tiếng gọi bố ơi, cảm xúc ùa về xúc động đã làm tôi gập đầu vào mộ bố tôi dẫn đến chảy máu, rồi ngất xỉu đó là lời chia sẻ của chị Hồng với hành trình tìm mộ Liệt sĩ Dương Huệ.
Tiểu đoàn trưởng mưu trí hết lòng vì đồng đội
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, trưởng thành trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hiểu rõ sự nghiệp thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước, liệt sĩ Dương Huệ rất tha thiết được tham gia cách mạng, trực tiếp cầm súng giết giặc, giải phóng quê hương. Tháng 3 năm 1962, liệt sĩ Dương Huệ nhập ngũ vào đơn vị Biệt động tỉnh Quảng Ngãi, tham gia nhiều trận chiến đấu tại địa phương, bị thương 02 lần (lần 1 vào năm 1967, lần 2 vào ngày 23/8/1968). Tháng 5 năm 1972, đồng chí được điều về giữ cương vị Đại đội trưởng, Đại đội 21 thuộc Trung đoàn 46C, Quân khu Hữu Ngạn (Quân khu 3). Từ tháng 10 năm 1972 đến tháng 12 năm 1973, trên cương vị là Đại đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308C, liệt sĩ Dương Huệ đã chỉ huy đơn vị vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, tiến công kiên quyết, tham gia nhiều trận đánh ác liệt góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào.
Ông Trần Thanh Vân và bà Trần Ngọc Hưởng, đồng đội của liệt sĩ Dương Huệ cùng chị Dương Thị Đức Hồng con gái liệt sĩ thăm viếng tại nghĩa trang vào các dịp lễ, tết
Trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, mở màn bằng cuộc tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 149 được giao nhiệm vụ tiến công từ hướng nam vào thị xã Buôn Ma Thuột, đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và tiểu khu Đắk Lắk. 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149 đã chiếm lĩnh xong vị trí xuất phát xung phong ở suối Ea Tam. Thấy hiệu lệnh nổ súng được phát ra, các hướng nhanh chóng cơ động lực lượng vượt đường Thống Nhất tiến đánh địch trong khu vực nhà thờ Tin Lành, đến 7 giờ cùng ngày, Tiểu đoàn 7 chia ra làm hai mũi, một mũi do liệt sĩ Dương Huệ, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy tiến công khu nhà thờ của quân đội ngụy, một mũi do đồng chí Hoàng Phục Hưng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn chỉ huy vòng qua ngã sáu đánh vào cổng chính của Sư đoàn 23 ngụy. Địch ở khu vực này tập trung rất đông, hỏa lực mạnh, có phi pháo yểm trợ nên các trận đánh của Tiểu đoàn 7 với quân phản kích của Sư đoàn 23 ngụy kéo dài tới 17 giờ cùng ngày, ta chỉ đánh chiếm được thêm khu cư xá sĩ quan và khu nhà thờ của quân đội.
Chị Dương Thị Đức Hồng con gái Liệt sĩ
Ngay trong đêm 10 tháng 3 năm 1975 các đơn vị của Tiểu đoàn 7 tổ chức rút kinh nghiệm, giải quyết thương binh, bổ sung kế hoạch tác chiến, vũ khí, trang bị, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đúng 5 giờ 30 phút sáng 11 tháng 3, các cụm pháo binh của Mặt trận và Sư đoàn đồng loạt nã đạn vào khu sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và các mục tiêu kế cận. Pháo binh đi cùng bộ binh cũng lần lượt tập kích vào các hỏa điểm của địch trên đường tiến quân… Đến 6 giờ 30 phút, các mũi bộ binh của ta cùng lúc đột phá vào các mục tiêu chủ yếu. Trung đoàn 149 từ bàn đạp xuất phát xung phong là khu vực mục tiêu đã chiếm được ngày 10 tháng 3, thực hành xung phong theo hai mũi. Tiểu đoàn 7 do liệt sĩ Dương Huệ trực tiếp chỉ huy từ phía nam tiến thẳng vào khu tham mưu, sở chỉ huy địch, nhưng do hỏa lực của chúng chống trả quá mạnh gây cho bộ đội ta quá nhiều thương vong nên tiểu đoàn phải tạm thời rút lực lượng ra để chấn chỉnh lại đội hình, sau đó tiến công tiếp. Tới 9 giờ 30 phút, Tiểu đoàn bẻ gãy đợt phản kích của hơn 100 tên địch, cùng 7 xe tăng, bắn cháy 3 xe, tiêu diệt tại chỗ hàng chục tên. Lực lượng địch sống sót chạy về điểm cao 419, sau đó co cụm về hướng sân bay Hòa Bình, cố thủ ở căn cứ Trung đoàn 53 tại sân bay. Cùng lúc này tiểu đoàn liên hệ được với xe tăng của ta, được tăng thêm hoả lực, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn càng thêm phấn khởi, liệt sĩ Dương Huệ đã nhanh chóng hiệp đồng chiến đấu, chỉ huy tiểu đoàn cùng xe tăng bắn phá, tiêu diệt các các ổ đề kháng cuối cùng, phát triển chiến đấu, đánh chiếm khu tham mưu, diệt 269 tên, bắt sống 19 tên và tiến thẳng vào khu trung tâm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.
Lúc 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3 năm 1975, lá cờ giải phóng được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98 kéo lên đã phấp phới tung bay trên nóc sở chỉ huy Sư đoàn 23 nguỵ đánh dấu một trong những thắng lợi đầu tiên của Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 góp công cùng với quân và dân cả nước trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Hình ảnh “lá cờ giải phóng” đã trở thành biểu tượng chiến thắng của Quân đội ta trong trận Buôn Ma Thuột, mở màn chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột bị mất, lực lượng còn lại của Sư đoàn 23 ngụy tập trung về căn cứ 53 và khu vực Sân bay Hòa Bình củng cố và kiên quyết thực hiện mục tiêu tái chiếm Buôn Ma Thuột. Căn cứ Trung đoàn 53 quân ngụy Sài Gòn là một căn cứ địch đóng quân trong công sự vững chắc. Về cơ cấu công sự, địch bố trí rất nhiều hầm ngầm, chiến lũy vững chắc, được nhiều lớp hàng rào bảo vệ. Đây cũng là một vị trí hết sức trống trải không có vật che khuất, che đỡ. Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98 được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Hòa Bình, căn cứ 53. Xét về tương quan lực lượng quân số và phương tiện vũ khí, phía địch vượt trội hơn chúng ta.
Với vai trò là một Tiểu đoàn trưởng, đồng chí liệt sĩ Dương Huệ đã tổ chức triển khai đội hình chiến đấu với quyết tâm chiến thắng rất cao. 5 giờ sáng ngày 14 tháng 3 năm 1975, lực lượng tiến công của Tiểu đoàn 7 đã bám được hàng rào bảo vệ vòng ngoài của Căn cứ Trung đoàn 53, nhưng trên địa hình trống trải, bộc phá nổ, hàng rào không được cắt gọn. Trong lúc bộ đội ta dồn lực lượng về phía “cửa mở” ngày một nhiều, thì cùng lúc địch tập trung hỏa lực rất mạnh để cản sự tấn công của ta. Chúng dùng súng đại liên, súng máy 12,7 ly, súng phóng lựu M72, M79 cùng các loại súng bộ binh khác đồng loạt xả đạn về phía cửa mở. Đồng thời cho xe tăng, xe bọc thép ra trực tiếp bắn phá và chặn cửa mở, cản sự tiến công của ta, cùng lúc chúng xác định tọa độ, gọi pháo binh và máy bay bắn phá về phía lực lượng ta trước khu vực cửa mở. Lúc này bộ đội ta đã có một số đồng chí hy sinh và bị thương nhưng vẫn chưa thể vượt qua được cửa mở. Một số ít các đồng chí đã khắc phục vượt qua cửa mở vào trung tâm nhưng gặp lực lượng địch quá đông và chống trả kịch liệt nên số ít chiến sĩ của Tiểu đoàn cũng không phát triển đánh địch được.
Diễn biến trận chiến đấu vô cùng ác liệt, lúc này Đại đội 1 chủ công dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Đại đội trưởng Vũ Ngọc Hoàn gặp rất nhiều khó khăn, đồng chí đã khẩn trương báo cáo về BCH Tiểu đoàn 7 xin được tăng viện lực lượng và sự chỉ huy của tiểu đoàn. Trước tình huống ấy, liệt sĩ Dương Huệ – Tiểu đoàn trưởng đã nhanh chóng rời vị trí chỉ huy ở phía sau lên tiếp cận vị trí cửa mở cùng Đại đội 1 xử lý tình huống. Tại cửa mở liệt sĩ Dương Huệ đã có một hành động rất táo bạo và dứt khoát, đứng bên hàng rào nham nhở đồng chí hô to “tất cả xung phong”. Tay đồng chí giơ cao khẩu súng chỉ huy K59 và vẫy đồng đội tiến lên. Địch xả đạn xối xả về phía đồng chí, liệt sĩ Dương Huệ đã trúng nhiều loạt đạn và anh dũng hy sinh ngay trước cửa mở. Tấm gương chiến đấu dũng cảm, hành động gan dạ, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ và hình ảnh người Tiểu đoàn trưởng quả cảm với mệnh lệnh “tất cả xung phong” đã thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu tiêu diệt quân thù, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 chiến đấu anh dũng, cùng với các đơn vị bạn tiêu diệt và làm chủ căn cứ Trung đoàn 53 ngụy trong ngày 17 tháng 3 năm 1975.
Liệt sĩ Dương Huệ là một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí, hết lòng vì đồng đội, được cán bộ, chiến sĩ rất mực tin yêu, mến phục. liệt sĩ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chấp nhận hy sinh để cổ vũ, động viên ý chí quyết tâm tiến công tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ. Đây là hành động anh hùng, đầy tính nhân văn của Tiểu đoàn trưởng Dương Huệ. Sự hy sinh của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, niềm cảm phục lớn lao và đã tạo ra sức mạnh to lớn thôi thúc cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các trận đánh tiếp theo trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau trận chiến đấu tại căn cứ Trung đoàn 53, Sân bay Hòa Bình liệt sĩ Dương Huệ đã được truy tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.
Ông Trần Hữu Nguyên – Nguyên là chính trị viên Đại đội 1,2,3 tiểu đoàn 7 ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá người đồng đội là những người may mắn sống sót trong chiến tranh, cùng sống, cùng công tác chiến đấu và bên cạnh liệt sĩ Dương Huệ từ tháng 5/1972 – 3/1975 cho biết: Cá nhân tôi góc nhìn và cảm nhận về Liệt sĩ Dương Huệ thật xứng đáng là danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với sự cống hiến của Liệt sĩ Dương Huệ, tôi rất tự hào, tôi phải vượt qua hàng nghìn km hàng chục địa phương, địa danh mà những nơi đồng chí liệt sĩ Dương Huệ cùng sống và chiến đấu, cùng chứng kiến giây phút hy sinh oanh liệt, thật may mắn cho tôi và đồng đội còn sống đến nay đã tuổi thất thập còn khá minh mẫn để tự cầm bút ghi lại hồi ức của mình liệt sĩ Dương Huệ người tiểu đoàn trưởng dũng cảm, sống hết lòng vì đồng đội
Chiến công liệt sĩ Dương Huệ
Di ảnh Liệt sĩ Dương Huệ
Năm 1975 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất Số 177, ngày 01/11/1975; Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 01 Chiến sĩ thi đua, 05 Bằng khen 02 “Dũng sĩ diệt Mỹ”, tháng 4 năm 2023 Trung đoàn 98 đã có công văn Đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước liệt sĩ Dương Huệ tới Thường vụ Đảng uỷ Sư đoàn 316 để trình Bộ Quốc phòng xét, trình đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Dương Huệ vì đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Dương Tùng