Lịch Sử HDVN

Võ tướng Dương Đình Nghệ – người khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho nước Việt

Dương Đình Nghệ là một hào trưởng, người làng giàng, nay thuộc xã Thiêu Dương, huyện Thiêu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thời Khúc Hao cầm quyền (907 – 917), Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ (917 – 930).

Bấy giờ, Trung Quốc đang trong thời loạn lạc, các tập đoàn thống trị không ngớt tìm cách chia bè kết cánh và xâu xé lẫn nhau. Một loạt các tiểu vương quốc lần lượt ra đời. Sử gọi đó là thời Ngũ đại thập quốc(năm đời, mười nước) [1]. Sát biên giới phía bắc nước ta là Nam Hán – một tiểu vương quốc do họ Lưu lập nên. Trong bối cảnh phức tạp đó, sự khôn khéo trong quan hệ bang giao có ảnh hưởng rất to lớn đối với vận mệnh quốc gia. Khúc Hạo nhận thức rất đầy đủ về vấn đề này, rất tiếc là Khúc Thừa Mỹ lại không kế thừa được kinh nghiệm quý giá đó. Khúc Thừa Mỹ thường gọi Nam Hán là “ngụy triều”, “ngụy tặc” và chính lời lẽ thiếu tế nhị đó đã có tác dụng khiêu khích Nam Hán. Sẵn có mưu đồ bành trướng từ trước, nhân cơ hội này, năm 930 Nam Hán – một tiểu vương quốc do họ Lưu lập nên đã xua quân sang xâm lược nước Việt Nam ta (khi đó gọi là Tĩnh Hải quân), bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ (con Khúc Hạo), đánh chiếm Đại La, sai Lý Tiến làm Thứ sử. Cuộc kháng chiến chống Nam Hán do Khúc Thừa Mỹ chỉ huy đã nhanh chóng thất bại.

Sau thất bại của Khúc Thừa Mỹ, vai trò của họ Khúc trên vũ đài chính trị của nước nhà cũng kể như chấm dứt. Triều đình Nam Hán tuy chưa kịp thiết lập một hệ thống chính quyền đô hộ vững chắc trên toàn cõi nước ta, nhưng, nguy cơ bị ngoại bang thống trị lâu dài cũng đã thể hiện rất rõ. Trước tình hình như vậy, Dương Đình Nghệ đã quả cảm đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhân dân vùng lên giành lại độc lập và chủ quyền. Từ một vị hào trưởng – một bộ tướng thân tín của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ đã trở thành một vị danh tướng, có công lớn đối với nước nhà. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Dương Đình Nghệ đã ba lần đánh đuổi ba đạo quân lớn của Nam Hán do ba viên tướng khét tiếng khác nhau cầm đầu.

Dương Đình Nghệ chỉ huy quân công phá thành Đại La (Ảnh minh họa)

Lần thứ nhất: Diễn ra ngay sau khi Khúc Thừa Mỹ thất bại trong việc chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lăng. Từ quê nhà, (nay là đất các xã Thiêu Dương, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hoá), Dương Đình Nghệ đã tập hợp được hơn ba ngàn quân (ông nhận là con nuôi) tập võ, tự mình làm tướng chỉ huy, dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ ( thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn… làm nha tướng đánh thẳng vào lực lượng của quân Nam Hán lúc bấy giờ đang đóng rải rác ở khu vực Hà Nội ngày nay. Tướng giặc là Lý Khắc Chính bị đại bại.

Lần thứ hai: Để lung lạc ông, vua Hán là Lưu Cung sai người phong ông làm Thứ sử Ái châu. Nhà Nam Hán cho Lý Tiến sang thay Lý Khắc Chính và sẵn sàng đối phó một cách kiên quyết với Dương Đình Nghệ. Nhưng, Lý Tiến chưa kịp thực hiện sứ mạng được giao thì đã bị Dương Đình Nghệ đánh cho tơi bời. Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ ra quân từ Ái châu, đánh đuổi Thứ sử Lý Tiến của nước Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy về nước cầu cứu, Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La.

Lần thứ ba: Nhận lời kêu cứu của Lý Tiến: Nam Hán lập tức sai tướng Trần Bảo đem quân sang tiếp viện bắt bằng được Dương Đình Nghệ. Trong trận giao tranh dầu tiên, Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Toàn bộ quân Nam Hán bỏ chạy thục mạng.

Từ đó, giặc Nam Hán không dám đụng tới Dương Đình Nghệ nữa. Bấy giờ, Nam Hán không phải là một nước lớn, lực lượng quân đội của chúng cũng không phải là hùng mạnh hơn người, nhưng nước ta vừa mới giành được độc lập, dân ta còn ít, tiềm lực của ta còn yếu… cho nên, đây cũng thực sự là một cuộc đối đầu hoàn toàn không cân sức. Để giành được thắng lợi vẻ vang và liên tục như Dương Đình Nghệ, ngoài chí lớn phi thường, hẳn nhiên là còn phải có mưu lược phi thường. Ông thật sự xứng đáng được xếp vào hàng những bậc danh tướng của nước nhà.

Năm 931, sau khi lập nên những võ công xuất sắc như đã kể ở trên, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, tự mình quản lý và điều hành các công việc của nước nhà. Tiết độ sứ là tên chức quan đô hộ của Trung Quốc đối với nước ta, được Trung quốc đặt ra kể từ khoảng cuối thời Bắc thuộc. Đối với Dương Đình Nghệ, đây chẳng qua là một danh xưng tạm dùng, cốt tạo ra sự tế nhị cần thiết trong quan hệ bang giao. Trong thực tế, ông chính là vua của nước Việt.

Ngô Thì“ Sĩ trong cuốn Việt sử tiêu án đã viết về chuyện này: “Khi Lý Khắc Chính bắt được Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ bèn tìm cách đánh báo thù. Ông chiêu tập hào kiệt, dùng đại nghĩa để khuyến khích cùng hợp mưu để đánh đuổi tướng Nam Hán là Lý Khắc Chính. Vua Nam Hán sai Lý Tiến sang làm Thứ sử Giao Châu (thay cho Lý Khắc Chính). Dương Đình Nghệ lại đem quân vây hãm Lý Tiến. Vua Nam Hán liền sai Trần Bảo sang cứu Lý Tiến. Dương Đình Nghệ đón đánh và chém được Trần Bảo. Từ đó Dương Đình Nghệ giữ lấy châu thành tự xưng là Tiết độ sứ, nhận lãnh mọi việc của châu”.
Nhưng thật không ngờ, đến tháng 3 ông bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, một tướng dưới quyền ông, từng được ông nhận là con nuôi và trọng dụng đã giết hại ông để cướp quyền.

Đền thờ Dương Đình Nghệ tại quê hương, làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Con trai ông là Dương Tam Kha, sau này tranh đoạt ngôi vị với con của Ngô Quyền, con rể ông. Một vài tài liệu còn ghi cháu nội ông, con gái của Dương Tam Kha là Dương Vân Nga chính là hoàng hậu họ Dương nổi tiếng – người đã mời Lê Hoàn lên ngôi thay nhà Đinh

Không rõ Dương Đình Nghệ bao nhiêu tuổi, ông hoạt động từ thời Khúc Hao tới năm 937, trong khoảng hơn 20 năm. Việc đánh đuổi quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ là trận đọ sức đầu tiên bằng vũ lực giữa Việt Nam và giặc phương Bắc dù chỉ là một nước cát cứ, kể từ khi tách ra khỏi tay người phương Bắc dưới thời ho Khúc. Quan trọng hơn, đó là việc giành lại đất đai đã mất từ tay người Bắc chứ không phải “phòng thủ, kháng chiến” trên cơ sở đã có để chống người Bắc sang. Bừng bừng bắc tiến, đánh bại liên tiếp hai đạo quân Nam Hán, hạ thành, giết tướng cứu viện; đánh trận đối đầu thắng ngay không cần dùng chiến thuật du kích, vu hồi, trường kỳ… Dương Đình Nghệ đã chứng tỏ ông là một tướng thiện chiến và huấn luyện được một đạo quân tinh nhuệ dù không thật hùng hậu.

Sở dĩ Dương Đình Nghệ làm được điều đó vì ông đã nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, tận tâm thương yêu tướng sĩ khiến họ đồng lòng hết sức đánh giặc và đã thu được thắng lợi nhanh chóng. Có ý kiến cho rằng việc ông nhận quá nhiều con nuôi là bắt chước theo lối của người phương Bắc thời Ngũ Quý lúc bấy giờ, để gây thành họa phản bội của Kiều Công Tiễn. Nhận xét như vậy có phần phiến diện. Việt Nam, với tên gọi “Tĩnh Hải quân” lúc đó, dù đã thoát khỏi tay người Bắc, nhưng dưới thời họ Khúc trước đây và cả Nhà Ngô sau này, vẫn có nhiều biểu hiện của sự chia rẽ giữa các địa phương, chưa thuần phục chính quyền trung ương (điển hình là các cuộc làm loạn của Chu Thái, ở thôn Đường, Nguyễn thời Ngô). Việc làm của Dương Đình Nghệ để cố kết lòng người, tập hợp những hào kiệt giỏi nhất lúc đó từ các địa phương (Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn…) là cần thiết. Ông đã lấy tình cha con để ràng buộc họ. Việc làm của ông không thể coi là “thái quá” và sai lầm, bởi trong 3.000 người ông nhận làm con nuôi, cũng chỉ có một mình Kiều Công Tiễn phản bội ông, và theo một số nguồn tài liệu, ngay cả trong Kiều tộc cũng nhiều người phản đối hành động đó của Công Tiễn. Các nhân tài mà ông đào tạo, trọng dụng như Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ về sau đều trở thành những trụ cột trong chính trường Việt Nam thế kỷ 10.

Trận chiến Bạch Đằng do Ngô Quyền (con rể Dương Đình Nghệ) chỉ huy năm 938 đã chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc ta (Ảnh minh họa)

Chiến thắng quân Nam Hán của ông dù không được đánh giá cao như trận Bạch Đằng của người con rể Ngô Quyền sau này nhưng nó có tác động cổ vũ tinh thần rất lớn cho người Nam và nó đã chỉ ra cho thế hệ sau ông thấy rằng: dù đã bị Bắc thuộc 1000 năm, người Nam vẫn hoàn toàn đủ sức đứng vững và đương đầu được với các cuộc tấn công của người Bắc để tách riêng thành một cõi độc lập. Hiện nay ở quận Cầu Giầy ( Hà Nội) và thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có đường phố mang tên ông.

Minh Vượng (tổng hợp)

Nguồn:

Danh tướng Việt Nam-Tập 1 – Nguyễn Khắc Thuần.-NXB Giáo dục, 1996.

– Lược sử Việt Nam- Trần Hồng Đức- NXB Văn hóa Thông tin, 2012

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia