Bà Dương Thị Viện người vác đạn phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng chiến thắng
Tháng tư lịch sử, người dân tỉnh Thanh Hoá lại hân hoan chào đón kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng, 59 năm thời gian đủ lấy đi nhiều thứ của một con người, thế nhưng không thể làm phai nhoà những khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng trong tâm trí của bà Dương Thị Viện là người đã từng xả thân dưới mưa bom bão đạn, cho cầu Hàm Rồng đứng vững bảo vệ huyết mạch giao thông quốc gia.
Đem ước muốn ấy tìm gặp bà Dương Thị Viện ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, là một nữ dân quân làng Đông Sơn (Hàm Rồng) năm xưa giờ đã 78 tuổi. Dù đôi lúc bà có quên đi một vài ký ức, nhưng cái cảm xúc về một thời phục vụ trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Bức ảnh bà Dương Thị Viện vác đạn phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng được bà gìn giữ cẩn thận
Sử sách nói nhiều về Hàm Rồng, Nam Ngạn – hai địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử, cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát nhất trong cuộc chiến. Thế nhưng, tôi muốn được nghe ai đó từng đi qua những năm tháng xưa kể lại, để có thể cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh và lòng căm thù, quả cảm của một thế hệ anh hùng.
Bà Dương Thị Viện kể ngày ấy, toàn bộ dân quân làng Đông Sơn được giao nhiệm vụ tải đạn, tải thương cho trận địa pháo cao xạ đồi C4. Làng có nhiều núi thì cũng có nhiều hang, đêm đến dân quân ngủ tập trung tại một cái hang rộng để khi có báo động là tất cả lên đường làm nhiệm vụ. Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965 giặc Mỹ bắn phá rất ác liệt, bầu trời trong thoáng chốc đã đen kịt bởi khói lửa của đạn bom. Bước vào cuộc chiến, bộ đội ta cũng chống trả không thua kém. Để các xạ thủ không phải rời vị trí chiến đấu, đạn hết thì vào kho vác từng hòm lên trận địa. Ngoài vác đạn, những nữ dân quân làng Đông Sơn còn làm nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sĩ bị thương về phía sau mặt trận. 2 ngày giặc Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng, quân, dân ta bị thương và hy sinh nhiều. Nói đến đây cụ rơi nước mắt, giọng nghèn nghẹn vì biết bao người con thân yêu đã phải nằm lại bên bến sông lịch sử này.
“Làm nhiệm vụ tải thương, chúng tôi đã khóc rất nhiều. Có chiến sĩ trẻ chỉ kịp nhắn với tôi một câu ngắn ngủi: “Em ơi, hãy nói với người yêu anh đừng chờ anh nữa” rồi hy sinh. Nghe mà đau xót lắm. Thế nhưng, những lần thắng lợi, những lần chứng kiến máy bay của giặc bị bắn cháy, hay bắt được giặc lái thì tất cả chúng tôi đều vui sướng”, Bà Viện kể tiếp.
Theo bà Dương Thị Viện, lúc ngoài trận địa, khi lên núi tải đạn, tải thương, bà đã cùng đồng đội bao phen vào sinh ra tử, để rồi có những ký ức đã sống cùng bà như tri kỷ. Những ngày đầu tháng tư lịch sử, chỉ có tôi và bà ngồi trong ngôi nhà ấm cúng, nghe bà kể bằng nhiệt huyết trái tim, bỗng những trang sử đã từng đọc lại hiện lên như thể mình đang được sống, được chứng kiến cái thời khắc oanh liệt đó.
Câu chuyện, những cảm xúc của bà Dương Thị Viện kể lại lúc cao trào hứng khởi, lúc trầm lắng nghẹn ngào, nhưng vẫn còn vẹn nguyên hào khí chiến thắng từ các nhân chứng sống đã đưa bước chân tôi quay trở lại thăm Hàm Rồng lịch sử. Trên cây cầu Hàm Rồng vững chãi, trên ngọn đồi “Quyết Thắng” uy nghi, sừng sững, chiến công ngày nào như còn vang vọng đâu đây. Từ Hàm Rồng, hướng mắt về bốn phía quê hương, không còn dấu vết đạn bom. Từng con đường, từng góc phố đều khoác lên mình những sắc màu tươi mới của cuộc sống ấm no, giàu đẹp.
Dương Tùng