Dương Đình Nghệ và những đóng góp xây dựng nền độc lập dân tộc
Nên đưa họ Khúc-Dương-Ngô vào vị trí mở đầu kỷ “Độc lập dân tộc”
(GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam)
Trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc (từ 111 TCN đến năm 905), dân tộc ta đã không ngừng tranh đấu giành quyền tự chủ, độc lập. Đến năm 907, Khúc Hạo (con Khúc Thừa Dụ) xưng Tiết độ sứ mới định ra hộ tịch và chức quản giáp lập lên chính quyền tự chủ ở Giao Châu, đặt quan hệ bang giao với nhà Nam Hán. Năm 930, quân Nam Hán lại sang đánh nước ta, lúc này Khúc Hạo đã mất, con là Khúc Thừa Mỹ cầm quyền không đủ sức chống trả đã bị bắt. Dương Đình Nghệ là bộ tướng tiếp tục trương cờ họ Khúc củng cố quân đội, tập hợp lòng dân, đến năm 931 kéo quân đánh chiếm thành Đại La giành thắng lợi. Như vậy, trong 6 năm (931-937), với vai trò là Tiết độ sứ, Dương Đình Nghệ nối tiếp họ Khúc giữ nước và dựng nước gây dựng nền độc lập. Tóm lại, trong suốt 14 năm (923-937), Khúc Hạo và Dương Đình Nghệ đã bước đầu tạo lập quyền độc lập, tự chủ của dân tộc, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa-xã hội tạo dấu nối về quyền lực Nhà nước và cơ sở nền tảng vững chắc để Ngô Quyền (con rể Dương Đình Nghệ) thực sự lập lên một triều đại, một quốc gia có triều nghi, sắc phục sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
Như vậy, từ Khúc Thừa Dụ-Khúc Hạo-Dương Đình Nghệ đến Ngô Quyền là những bước liên tục của lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngô Quyền chính là chiến thắng cuối cùng mà họ Khúc, họ Dương đã gây dựng. Từ luận điểm trên có thể đưa ba họ Khúc-Dương-Ngô vào vị trí mở đầu kỷ “Độc lập dân tộc”.
Hội thảo góp phần mang lại ánh sáng cho một số sự kiện lịch sử vào thế kỷ X
(GS.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)
Trước đây do tư duy sử học còn hạn chế nên đã đánh giá chưa đúng mức vai trò, vị trí của một số nhân vật, sự kiện trong lịch sử. Dưới góc nhìn sử học hiện đại, bằng phương pháp tiếp cận mới, mang tính khoa học và cách mạng, Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, tìm ra cơ sở lý luận khoa học để thẩm định và khẳng định lại vai trò, sự ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử, danh nhân họ Khúc-Dương-Ngô nói chung và của họ Dương nói riêng. Qua đó góp phần mang lại ánh sáng cho một số sự kiện lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, Hội thảo tập trung đi sâu phân tích, làm sáng tỏ các sự kiện lịch sử diễn ra ở thế kỷ X thông qua một số nhân vật tiêu biểu thuộc dòng họ Dương mà đầu tiên là Dương Đình Nghệ.
Có thể khẳng định, trong sự nghiệp gây dựng nền độc lập dân tộc ở thế kỷ X, Dương Đình Nghệ có công lao lớn trong chiến thắng chống xâm lược Nam Hán lần thứ nhất (931), giữ vững và củng cố nền tự chủ được khởi đầu từ Khúc Thừa Dụ và sự nghiệp cứu nước của ông lại được Ngô Quyền tiếp nối với chiến thắng chống xâm lược Nam Hán lần thứ hai (938) đã kết thúc giai đoạn tự chủ và mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước. Vì lẽ đó, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương quan tâm đến việc tôn vinh Dương Đình Nghệ – nhân vật lịch sử đã có công lớn với đất nước, có thể bằng việc xây dựng Đài tưởng niệm ở Bắc Ninh – quê hương ông hoặc nghiên cứu lấy tên anh hùng Dương Đình Nghệ để đặt tên cho một số địa điểm thuộc thành phố Bắc Ninh…
Bắc Ninh-Quê hương của Dương Đình Nghệ
(Nhà sử học Dương Trung Quốc)
Bắc Ninh-Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi từ nghìn xưa đã là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Bắc Ninh, nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt của Việt Nam, đặc biệt là quê hương của Lý Công Uẩn, người khởi dựng Vương triều Lý thịnh trị 216 năm. Từ Sơn (châu Cổ Pháp xưa) cũng là nơi sinh thành và nuôi dưỡng danh nhân Dương Đình Nghệ, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, đã góp công giành quyền tự chủ cho dân tộc, kết thúc một nghìn năm Bắc thuộc, mở đầu kỷ nguyên “Độc lập dân tộc lâu dài” của đất nước. Ngày 10-10 năm Giáp Ngọ (874) ở châu Cổ Pháp xưa đã sinh thành và nuôi dưỡng người Anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ, cha là cụ Dương Đình Thiện, đến năm 894 gia đình ông di cư vào làng Giàng (Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng ở Châu Ái, giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông đã tập hợp anh hùng hào kiệt bốn phương, nuôi dạy 3.000 quân sĩ, luyện tập võ nghệ chờ thời cơ. Đến năm 931, Dương Đình Nghệ đã kéo đại binh tiến ra giải phóng thành Đại La, giết tướng giặc, đánh tan quân Nam Hán lần thứ nhất, giành lại quyền độc lập tự chủ dân tộc, tự xưng là Tiết độ sứ và cai quản đất nước từ năm 931-937. Hội thảo cấp Quốc gia “Dương Đình Nghệ với công cuộc gây dựng nền tự chủ vào thế kỷ thứ X” là điều kiện để các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử làm sáng thêm vai trò của ông cũng như mối liên kết giữa ba nhà Khúc-Dương-Ngô trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc. Đây cũng là dịp giúp mỗi người có thêm góc nhìn mới về các danh nhân sống ở thế kỷ X, đồng thời xây đắp thêm lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ người Việt nói chung và vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc nói riêng trong quá trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Bắc Ninh-Kinh Bắc nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt
(Ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh)
Tìm hiểu về lịch sử và truyền thống dân tộc, địa phương, dòng tộc vừa là nhu cầu vừa là đòi hỏi của thời cuộc để chúng ta có thể tự tin, có động lực sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập Quốc tế. Bắc Ninh-mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt. Người đầu tiên phải kể đến là Kinh Dương Vương làm vua năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Và cách đây 1000 năm, cũng chính trên quê hương châu Cổ Pháp lại sinh ra một nhân tài – Đức vua Lý Công Uẩn, người đầu tiên khai sáng ra nhà Lý, xây dựng nền văn minh Đại Việt…
Đến thời đại Hồ Chí Minh, Bắc Ninh cũng là nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều nhà cách mạng tiêu biểu, đã chiến đấu kiên cường, bất khuất xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt… Qua gần nghìn năm khoa bảng phong kiến, vùng đất Kinh Bắc có gần 700 vị đỗ đại khoa, chiếm 2/3 cả nước… Ngày nay, phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh, quê hương Bắc Ninh “địa linh nhân kiệt” nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều hiền tài trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết tâm thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Hoàng Mai – Thuận Cẩm