Lăng mộ cổ Danh nhân văn hóa – Đại học sĩ Dương Lâm có gì đặc biệt?
Lăng Mộ Danh nhân văn hóa – Thái tử Thiếu bảo – Hiệp tá Đại học sĩ Dương Lâm (một vị quan lớn trong triều Nguyễn) ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội luôn có người dân canh gác, dọn cỏ, hương khói hàng trăm năm nay.
Được dân lập đền thờ khi còn sống
Theo sử sách ghi lại, Dương Lâm tự Vân Hồ, Thu Nguyên, Mộng Thạch, biệt hiệu Quất Tẩu, Dương Công, sinh ngày 18 tháng 12 năm 1851, trong một gia đình nhà nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học, tại làng Vân Đình, tổng Phương Đình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Thân phụ ông là Dương Quang, một người nổi danh trong giới học sĩ, được các bậc danh công quý trọng; thân mẫu là Bùi Thị Tôn, con gái Thượng thư họ Bùi làng Thịnh Liệt, một họ lớn sản sinh nhiều nhà văn học nổi tiếng như Bùi Xương Trạch, Bùi Huy Bích. Ông là em ruột nhà thơ Dương Khuê, kém Dương Khuê 12 tuổi.
Thuở nhỏ Dương Lâm đã có ý thức rèn luyện trí, đức, nối nghiệp thi thư, phát huy truyền thống văn học của họ Dương và họ Bùi; về sau ông trở thành một trong những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng giai đoạn cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỷ XX.
Dương Lâm đỗ Tú tài năm 1867, vào Huế thi Hội năm 1868. Năm 1873, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, ông cùng thân phụ chiêu mộ dân giữ thành đánh giặc. Sau hơn hai tháng chống cự, Pháp buộc phải rút lui, trả lại bốn tỉnh mà chúng đã chiếm; Dương Lâm và thân phụ được triều đình ban thưởng hàm Hàn lâm viện Cung phụng.
Lăng mộ danh nhân văn hóa Dương Lâm nằm trên cánh đồng trước cửa trụ sở UBND xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội)
Năm 1878, Dương Lâm đỗ Giải nguyên; năm 1884 ra dạy học ở Ý Yên. Dạy học chưa được bao lâu ông nhận được sớ triệu làm Tri huyện Hoài Yên.
Do chứng kiến việc triều đình Huế dâng đất nước cho Pháp, Dương Lâm chán nản, lấy cớ chăm sóc thân phụ già yếu, xin nghỉ việc quan một năm. Năm 1887, ông lại được triệu ra làm Bang tá, một chức vụ nhỏ tại Nha Kinh lược.
Lăng mộ rộng khoảng trên dưới 1.000m2
Cuộc đời và tư tưởng của Dương Lâm chịu ảnh hưởng của nhiều biến cố lịch sử đau thương trong lịch sử dân tộc cuối thế kỉ XIX. Quan lộ của Dương Khuê gập ghềnh, quanh co. Sử sách và văn thơ của ông cho biết, nhiều lần ông phải viện cớ từ quan, về nhà dạy học, viết sách, viết báo.
Năm 1888, Dương Lâm nhận chức Án sát ở Hưng Hóa. Trong thời gian đương chức, ông cho thả hàng trăm tù nhân. Sau sự kiện này, ông bị đổi về làm ở Bố chính Sơn Tây, hàm Quang lộc khanh; rồi được cử làm Bố chánh ở miền rừng Lục Nam (Bắc Giang) có nhiều thổ phỉ quấy phá. Năm 1890, Dương Lâm lập công dẹp giặc Tàu, giặc thổ phỉ, cứu thoát hàng trăm phụ nữ, trẻ em sắp bị bán sang Tàu. Nhớ ơn ông, dân làng Quỷnh đã lập đền thờ ngay lúc ông còn sống.
Đường vào lăng mộ được đổ bê tông phẳng lì, bên đường có hàng dương sỉ mọc lên xanh tốt.
Năm 1892, ông lại được bổ làm Tuần phủ Thái Bình. Đến năm Ất Tỵ (1895), ông làm Tham tri Nha kinh lược Bắc Kỳ, sau đó về triều giữ chức Thượng thư bộ Công kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Khi triều đình sửa đổi phép học, phép thi, ông được cử đứng đầu ban Tu thư, cùng với Đoàn Triển, Đỗ Văn Tâm, Bùi Hướng Thành cùng soạn sách Tân giáo khoa. Năm Canh Tý (1900), ông làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Vì quê làng Vân Đình nên người đương thời gọi ông là cụ Thiếu Vân Đình.
Khi về hưu, ông được triều đình tặng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Ông về quê nhà, mở trường dạy học. Năm Canh Thân (1920), ông mất hưởng thọ 69 tuổi, được truy tặng tước Khánh Vân Nam.
Lăng mộ luôn có người túc trực dọn cỏ, thắp hương
Sau khi ông mất năm 1920, biết ơn, tưởng nhớ công đức của ông, người dân ở Vân Đình đã cùng nhau góp sức xây dựng lăng mộ lớn tại địa phương. Khoảng đầu năm 2000, do lăng mộ danh nhân văn hóa – Thái tử Thiếu bảo – Hiệp tá đại học sĩ Dương Lâm có phần xuống cấp nên con cháu họ Dương nơi đây đã tôn tạo và xây dựng kiên cố, đẹp hơn. Đến nay, đã trải quả hơn 100 năm nhưng lăng mộ Danh nhân văn hóa – Thái tử Thiếu bảo – Hiệp tá đại học sĩ Dương Lâm luôn có người dân canh gác, dọn cỏ, hương khói cẩn thận.
Gần 30 năm nay trông coi lăng mộ, ông Đỗ Văn Định (59 tuổi) ở Ứng Hòa (Hà Nội) vẫn luôn rất tự hào vì bản thân được dòng họ Dương và người dân ở địa phương tin tưởng giao phó công việc quản trang ở lăng.
Không kể ngày, đêm, không quản nắng mưa, cứ có khách đến thăm viếng lăng mộ, ông Định lại ra tiếp, châm hương phục vụ du khách.
Hàng ngày ông Định vừa làm bảo vệ UBND xã Tảo Dương Văn nhưng vẫn luôn chăm sóc, dọn cỏ lăng mộ rất sạch sẽ. “Trước tôi có 2 người ở làng làm quản trang ở lăng đến khi về già qua đời, tôi được chọn để tiếp tục làm công việc này đến nay đã gần 30 năm nay. Dù mỗi năm gia đình họ Dương hỗ trợ cho tôi hơn 1 triệu đồng nhưng bản thân vẫn thấy rất vui và tự hào vì được làm công việc ý nghĩa này”,ông Định chia sẻ.
Một số hình ảnh khu lăng mộ
Tổng thể kiến trúc của lăng mộ cổ nổi bật với nhiều chi tiết bằng đá tinh xảo như: voi đá, bia đá, bậc đá,…
Ông Đỗ Văn Định (59 tuổi) gần 30 năm trông coi, dọn cỏ, hương khói lăng mộ anh nhân văn hóa – Thái tử Thiếu bảo – Hiệp tá đại học sĩ Dương Lâm ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Dương Văn Mão sưu tầm